Tái cơ cấu nền kinh tế - giải pháp tự chủ về kinh tế

Theo kinhtetrunguong.vn

(Tài chính) Trước những căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định: Việt Nam muốn tự chủ được kinh tế không phụ thuộc thì cần phải nhanh chóng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Trần Du Lịch cho biết:

Trước hết, về vấn đề tự chủ kinh tế, chúng ta phải gắn liền với đặc điểm của thời đại, thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa, mỗi nền kinh tế không phát triển riêng rẽ mà mỗi nền kinh tế như một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong vấn đề cạnh tranh quốc gia thì mỗi nước đều cố gắng làm sao chọn trong một phân khúc chuỗi giá trị đó mà giá trị gia tăng cao, có lợi nhất. Trong quan điểm từ khi chủ trương hội nhập, Đảng và Nhà nước ta chủ trương chúng ta phát triển trong nền kinh tế tự chủ, trên tinh thần như vậy, tự chủ nghĩa là quan hệ kinh tế phải là quan hệ tương thuộc, chứ không phải lệ thuộc.

Để xây dựng nền kinh tế như vậy thì chủ trương ta có từ lâu, tuy nhiên đến giờ chúng ta chưa đạt được mục đích, đặc biệt là chúng ta đang đứng trước thử thách rất lớn là nền công nghiệp gia công, sử dụng phụ thuộc và nguyên vật liệu của nước ngoài quá lớn. Chúng ta vẫn có nền xuất khẩu nông sản thô, giá trị đang thấp, và nỗ lực tham gia vào những công đoạn, giá trị toàn cầu, chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu sạch, sản phẩm mang tính đặc thù của Việt Nam trong cạnh tranh, đó là những vấn đề đặt ra rất gay gắt trong tình hình hiện nay.

Tái cơ cấu nền kinh tế - giải pháp tự chủ về kinh tế - Ảnh 1
TS. Trần Du Lịch
Phóng viên: Như vậy thì chúng ta cần phải tự chủ ở những góc độ cụ thể như thế nào?

Trước hết, chúng ta phải trở lại thực hiện mục tiêu tự chủ theo nghĩa quan hệ tương thuộc trong quan hệ toàn cầu và dựa trên lợi thế của quốc gia mình. Trên thực trạng về cơ cấu kinh tế đất nước thì chúng ta lại chủ trương là phải tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều lớn nhất là chúng ta phải chuyển mô hình tăng trưởng mà đang duy trì quá lâu mà hiện nay không thể cạnh tranh được, Chính phủ cũng ban hành đề án tái cơ cấu, cũng chọn những lĩnh vực ưu tiên với tái cơ cấu. Tuy nhiên, tôi vẫn nói rằng hiện nay vấn đề đang thách thức là một nền công nghiệp gia công và một nền nông nghiệp mà giá trị gia tăng không cao và có sức cạnh tranh tôi tạm gọi là hơi bấp bênh.

Như trong lĩnh vực thủy sản, hải sản đánh bắt, chúng ta có lợi thế rất lớn. Nhưng với cách đánh bắt của ta hiện nay thì chất lượng lại chưa cao, giá trị gia tăng kém, và cũng chỉ 10% đạt yêu cầu của một số thị trường. Như vậy, thách thức trong vấn đề xây dựng nền kinh tế tự chủ là thách thức phải tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta phải tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu và nâng sức cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh sản phẩm và đặc biệt là phải chuyển cho được một nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất.

Thưa ông, có một thực tế là rất nhiều loại vật tư nguyên liệu thiết bị để sản xuất hàng hóa như ông vừa nói thì chúng ta vẫn đang phải phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài, và trong đó một lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc với khoảng hơn 37 tỷ USD/năm, kể cả các hàng tiêu dùng. Vậy với những phân tích vừa rồi của ông thì khả năng nền kinh tế của chúng ta có thể tự chủ ở những nội dung gì, những vấn đề cụ thể như thế nào?

Đúng như là câu hỏi đã nêu, chúng ta không phải thời điểm này với sự kiện Biển Đông, giàn khoan Hải Dương 981 thì ta mới đặt vấn đề là xem xét mối quan hệ kinh tế giữa ta với Trung Quốc mà chúng ta cũng đã cảnh báo từ lâu cái mối quan hệ này. Làm sao chúng ta xây dựng một mối quan hệ kinh tế với nước láng giềng, theo tinh thần tôi gọi là tinh thần quan hệ tương thuộc chứ không quan hệ lệ thuộc. Xét trên phương diện thực tiễn hiện nay thì chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng lớn, nếu năm 2001 chúng ta nhập siêu 100 triệu USD thôi thì sau hơn 10 năm chúng ta nhập siêu hơn 23 tỷ USD.

Hiện nay một số ngành công nghiệp của ta đặc biệt là may mặc, da giày, cơ khí, điện tử thì chúng ta tùy thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của Trung Quốc, nói không quá đáng thì Trung Quốc thay vì họ xuất khẩu sản phẩm thì họ xuất khẩu nguyên liệu sang ta để tận dụng lao động rẻ và ta là nước trung gian để cho họ xuất khẩu trở lại, đấy là vấn đề. Và để giải quyết vấn đề này thì quan điểm của tôi và cũng của nhiều người là chúng ta phải xử lý cho được, chủ động để tái cấu trúc lại các nguồn vật tư nhiên liệu phụ tùng trên những lĩnh vực hiện nay ta đang phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tôi chưa nói rằng chúng ta đi tìm một thị trường nào khác là cần thiết mà tôi muốn nói thị trường trong nước. Trước hết chúng ta phải nghĩ đến thị trường hơn 90 triệu dân này. Nền nông nghiệp Việt Nam với tất cả lợi thế của nông nghiệp nhiệt đới thì có lí do gì chúng ta trồng ngô, trồng mía năng suất thấp hơn Trung Quốc để ta phải nhập nguyên liệu của họ. Với tất cả kỹ năng và khéo léo đầu óc của người Việt Nam có gì mà chúng ta không làm được linh kiện về cơ khí mà chúng ta phải nhập cả. Bởi vì chúng ta thiếu chính sách một cách tập trung để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Và chúng ta nói khá nhiều lần nhưng chúng ta chưa quan tâm làm đến nới đến chốn cho có kết quả, tôi cho rằng dĩ nhiên vấn đề một sớm một chiều làm được nhưng chúng ta phải quyết tâm.

Do đó, những loại vật tư nguyên liệu gì mà trong nước làm được chúng ta khuyến khích trong nước. Chúng ta phải nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện phụ kiện; phải thay đổi cơ cấu nông nghiệp, thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp để đưa khoa học công nghệ vào được. Nền nông nghiệp Việt Nam năng suất thấp, không đưa khoa học công nghệ vào được bởi vì do phương thức tổ chức sản xuất của ta hiện nay không phù hợp.

Về thị trường tiêu thụ tôi nghĩ rằng ta phải tiếp tục phong trào kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Đây không phải là nói suông mà chúng ta phải có một chính sách để thay đổi nhãn quan, cách kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Phải nhìn cả hai mặt, một mặt giáo dục truyền thống yêu nước, nhất là từ trẻ con, nhưng mà một mặt phải có chính sách và khuyến nghị Doanh nghiệp trong nước phải thay đổi để tham gia cạnh tranh trên chính sân của mình trước khi nghĩ cạnh tranh nước ngoài, đấy là cách mà ta phải làm.

Thưa ông, như ông vừa phân tích thì công nghiệp hỗ trợ của chúng ta đang còn chưa thực hiện được theo đúng mục tiêu đề ra, và với một đất nước mà có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên về khoáng sản, về các điều kiện tự nhiên cũng như là với ưu thế trong sản xuất nông nghiệp với hơn 70% dân số ở khu vực nông thôn, vậy thì để tự chủ được các nguồn nguyên liệu, sản phẩm hàng hóa thì theo ông ngoài công nghệ, khoa học kỹ thuật thì chúng ta cần có các giải pháp căn cơ nào nữa?

Chúng ta phải đánh giá lại tại sao một đất nước nông nghiệp ngư nghiệp thế này phải nhập phần lớn thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi, ta nhập cả bột cá, ta nhập đậu tương, ta nhập ngô, rồi kể cả nhập những loại thuốc thú y? Ở đây một vài vấn đề đặt ra tại sao không đưa khoa học công nghệ vào được, nếu ta cứ tiếp tục duy trì một mô hình nông hộ theo kiểu người cày có ruộng như hiện nay thì không thể có một nền nông nghiệp để có giá trị gia tăng cạnh tranh được. Chúng ta cũng phải tính toán lại kể cả vấn đề đất dành cho lúa, cho lương thực, chúng ta có nhất thiết phải sản xuất tới bốn mươi mấy triệu tấn lúa không trong khi giá trị rất thấp. Chúng ta có nhất thiết phải duy trì ruộng làm lúa ba vụ không hay là hai vụ lúa một vụ màu… phải tính tái cơ cấu lại.

Rồi trong vấn đề khai thác thủy sản chúng ta đã đầu tư cái gì cho thủy sản, chúng ta xem nó là một ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược kinh tế biển thế thì ta đầu tư cái gì? Hiện nay vẫn còn thiếu những chính sách như vậy. Tôi muốn nói riêng lĩnh vực nông nghiệp phải cần một đề án tổng thể có chính sách rõ ràng trong từng lĩnh vực, thay đổi một cách mang tính đột phá để thay đổi về cơ cấu, và chúng ta mạnh dạn thay đổi phương thức tổ chức và chuyển một bộ phần lớn nông dân từ nông nghiệp sang các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, thay đôi về cơ cấu lao động. Những việc làm đó tôi nghĩ chủ trương thì đã có, nhưng biện pháp thực thi cách làm quá chậm. Hiện nay tình hình bức xúc đòi hỏi không thể nào chậm trễ hơn nữa.

Như vậy cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tự chủ về kinh tế phải tự chủ cả về vấn đề vĩ mô lẫn vấn đề vi mô, và bên cạnh những tự chủ về mặt vi mô như ông vừa phân tích thì việc tự chủ của mỗi doanh nghiệp và người dân cũng rất quan trọng, trong đó doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế thì theo ông, cần phải chủ động và tự chủ như thế nào?

Đây là dịp cho doanh nghiệp trong nước nhìn lại mình để có sự phấn đấu đi lên. Còn với người dân tôi cho rằng ý thức dân tộc là cần thiết nhưng nói gì thì nói nhưng tôi nghĩ rằng người dân phải có một tinh thần xây dựng, phải có ý thức là xây dựng thương hiệu Việt Nam, sản phẩm Việt Nam và tiếp tục hưởng ứng việc, chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tôi xin nói lại ở Hàn Quốc 97% các nhà giàu họ sử dụng xe ô tô sản xuất tại Hàn Quốc, mặc dù họ rất giàu nhưng không sử dụng xe hơi nước ngoài. Tại sao như vậy, đó là ý thức dân tộc. Cạnh tranh hiện nay ý thức dân tộc là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi không nói rằng dân tộc cực đoan, nhưng ý thức dân tộc, tự trọng, niềm tự hào dân tộc phải đặt lên trong công tác tuyên truyền, công tác giáo dục rất là quan trọng. 

Thưa ông, có quan điểm cho rằng đa dạng hóa các nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu, với tỷ lệ kiểm soát được bên cạnh việc chủ động nâng cao khả năng tự cung tự cấp, các hàng hóa của nội lực nền kinh tế ở trong nước, vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Đây là vấn đề đặt ra rất đúng nhưng làm không đơn giản. Thứ nhất, doanh nghiệp nào muốn sử dụng nguồn nguyên liệu vật tư đều trên cơ sở cạnh tranh, tức là giá thành. Tại sao Trung Quốc xâm nhập nhiều như vậy bởi vì họ chiến lược giá rẻ, đánh vào giá rẻ. Đây là thành công của Trung Quốc trên khắp thị trường thế giới bằng chiến lược giá rẻ trên tất cả lĩnh vực, tại sao họ trúng thầu Việt Nam nhiều như vậy, bởi vì tất cả dùng chiến lược giá rẻ. Bây giờ các doanh nghiệp phải tính toán lại, tôi ví dụ anh có thể cấu trúc lại nguyên liệu đắt hơn một chút anh có thể giảm chi phí chỗ khác nhưng anh nhất quyết không hám lời để theo giá rẻ thì chúng ta từng bước thoát ly dần. Ví dụ một công ty cổ phần thường bị áp lực là tỷ lệ lợi nhuận cổ tức cho cổ đông thành ra phải giảm chi phí bằng cái gì rẻ nhất thì đó là vấn đề nhưng bây giờ chúng ta cấu trúc lại nguồn nguyên liệu trước mắt có thể đắt hơn nhưng chúng ta có thể giảm chi phí khác được không, có thể giảm lợi nhuận được không và tôi tin rằng trong thời gian năm ba năm thì chúng ta thoát dần ra được, không thể một sớm một chiều nhưng năm ba năm thì chúng ta thoát dần ra được, và cái lợi lâu dài lớn hơn cho doanh nghiệp và cho đất nước bấy giờ nó bền vững, còn chúng ta có lợi trước mắt nhưng nó bấp bênh, quan điểm của tôi là như vậy.

Với tất cả những phân tích vừa rồi theo ông vấn đề cốt lõi nào thì sẽ giúp cho Việt Nam thành công trong việc tự chủ kinh tế trong hội nhập?

Tôi cho rằng cũng không phải nghĩ một chính sách nào mới đâu. Tất cả vấn đề chủ trương tái cấu trúc kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vấn đề phát triển trên tinh thần là cạnh tranh toàn cầu đã có chủ trương có chính sách tất cả rồi. Nhưng chúng ta thiếu cái gì, thiếu quyết tâm, thì bối cảnh tình hình hiện nay là cơ hội để chúng ta quyết tâm hơn để làm con đường mà chúng ta đã vạch ra. Tôi xin nói lại những việc tôi nói nãy giờ là chúng ta đã có chủ trương nhưng thiếu quyết tâm, bây giờ cái bức xúc tình hình buộc doanh nghiệp, buộc nhà nước phải có quyết tâm. Tôi nghĩ nếu quyết tâm thì chúng ta làm được, và đây là vấn đề mang tính trung dài hạn, trước mắt có thể khó, khó cho nhà nước, khó cho doanh nghiệp, khó nền kinh tế, nhưng mà cái khó đó, vượt cái khó một chút để ta đi con đường bền vững còn hơn là chúng ta ngại khó mà chúng ta phát triển một cách bấp bênh, lệ thuộc.

Trân trọng cảm ơn ông!