Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn
(Tài chính) Ngày 17/1 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Học viện Nông nghiệp tổ chức Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách toàn diện và khoa học
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định: Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ chỗ thiếu đói đến đủ ăn, từ một nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu về lương thực. Năm 2014, lần đầu tiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 30 tỷ đô la Mỹ. Nông nghiệp là chỗ dựa quan trọng trong bối cảnh kinh tế suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn chưa thực sự phát triển bền vững: khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa hình thành chuối giá trị nông sản, thu nhập của cư dân nông nghiệp thấp. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách toàn diện và khoa học hơn.
Theo GS, TS Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu thì ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng đứng trước nhiều thách thức. Tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ và thâm dụng các yếu tố đầu vào như: lao động, vốn, vật tư và và các nguồn lực tự nhiên khác. Các động lực cho sự tăng trưởng nông nghiệp dường như bị chững lại. Do đó, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang rất cần những động lực mới để tăng trưởng.
GS.TS. Trần Đức Viên nhấn mạnh đến tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa vào quy hoạch lại quỹ đất nông nghiệp cả nước, ở từng vùng hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chủ lực. Đặc biệt, theo GS Viên, để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp cần làm ngay việc tái cơ cấu trong giáo dục và đào tạo nông nghiệp, tái cơ cấu quản lý Khoa học công nghệ, tái cơ cấu trong chính sách và thể chế quản lý phát triển nông nghiệp và nông thôn.
GS.TS. Trần Đức Viên lưu ý, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có việc quy hoạch và chế biến sâu. Hiện nông dân bị điều khiển bởi thị trường nên họ sẵn sàng bỏ cây, chặt cây, nuôi con mới. Do đó, chúng ta phải có quy hoạch kiên định, có phát triển dài hạn, bám sát thị trường, không để sản xuất tự phát, gây thiệt thòi cho bà con nhân dân. "Kinh tế hợp tác nhưng không phải tất cả đều là cánh đồng mẫu lớn, mà là tăng tính hợp tác trong sản xuất. Tiếp theo là đẩy mạnh khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Chỉ khi làm chủ được khoa học công nghệ thì nông nghiệp mới có đột phá” - GS Trần Đức Viên khẳng định.
GS. Đỗ Kim Chung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam lưu ý, năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 30 tỷ USD. Nhưng nhiều năm qua thì sụt giảm tăng trưởng. Tại sao nông nghiệp Việt Nam vẫn không tăng trưởng trong khi các nước xung quanh tiến lên? Tái cơ cấu đã 3 năm nhưng hiệu quả chưa rõ ràng? Theo GS. Chung, cần phải cấp thiết tái cơ cấu nông nghiệp thực sự hiệu quả. Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp cần hướng tới việc thực hiện quy hoạch theo hướng thị trường mở. Cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cả trong mục tiêu chung và dài hạn 50 hay 100 năm, để có chiến lược bảo tồn, sử dụng đất nông nghiệp trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị.
Các đại biểu cũng khẳng định: Tái cơ cấu nông nghiệp phải đảm bảo an ninh về dinh dưỡng, không phải chỉ có an ninh lương thực. Đầu tư công để tái cơ cấu nông nghiệp cần được thực hiện có trọng điểm, không tràn lan.
Tái cơ cấu nông nghiệp - đơn vị sản xuất ở cơ sở phải thay đổi
Ở một góc nhìn khác, TS. Đào Thế Anh, Viện cây lương thực – cây thực phẩm cho rằng: kinh nghiệm của các câu chuyện thành công trong chuỗi giá trị cho thấy là cả nông dân và doanh nghiệp đều cần được tăng cường năng lực về kỹ năng kinh doanh nông sản và quản lý chất lượng, kỹ năng tổ chức nông dân và hợp tác để có thể phát triển được các chuỗi giá trị chất lượng. Đây là chính sách cần ưu tiên hàng đầu để có được lực lượng nông dân tiến lên chuyên nghiệp sản xuất nông sản chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: Tái cơ cấu nông nghiệp cần xây dựng mô hình về công nghiệp hóa trong nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp để có thể sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại có giá trị gia tăng cao… Trên cơ sở hệ thống Luật pháp mới ban hành như Luật Đất đai thì thời gian tới, ngành khoa học công nghệ phải đầu tư theo chuỗi từ khâu giống đến khâu canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, chế biến và xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để tái cơ cấu nền nông nghiệp thì yếu tố cơ bản là đơn vị sản xuất ở cơ sở phải thay đổi. Thực tế lâu nay hộ là đơn vị sản xuất ở cơ sở. Với khoảng 10 triệu hộ sản xuất ở cơ sở trong quá trình hội nhập quốc tế nếu không có tổ chức thì sẽ rối loạn không thể xuất khẩu cũng như cạnh tranh được với hàng hóa bên ngoài. Chính vì vậy việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ tái cơ cấu đơn vị sản xuất cơ bản của Việt Nam đó là hợp tác xã, hoặc liên kết giữa hộ và doanh nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh: Việc tái cơ cấu nền nông nghiệp phải bắt đầu từ việc tái có cấu hệ thống thu mua sản phẩm nông nghiệp của nông dân, tái cơ cấu thị trường cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm nông nghiệp. Đây là bài toán cấu trúc về kinh tế. Chừng nào không tái cấu trúc đầu vào, đầu ra người nông dân còn bị 2 “gọng kìm” này ép chặt và thu nhập sẽ chạy sang hai đầu chứ không dành cho người nông dân. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lưu ý, phải xác định được những sản phẩm quốc gia, thiết lập mối quan hệ tốt giữa khoa học với nông dân để đưa những kết quả khoa học đến với nông dân một cách hiệu quả nhất cũng như phải hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp, tái cơ cấu chi của nhà nước cho nông nghiệp. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp cần thiết lập mối quan hệ mới giữa khoa học - doanh nghiệp - nông dân thông qua tổ chức trung gian để hiệu quả đến nông dân được cao nhất. Đồng thời hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp; tái cơ cấu chi của nhà nước cho nông nghiệp …