Tái cơ cấu SBIC và sự hợp sức của DATC
(Tài chính) Theo kế hoạch, trong năm 2015, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) thực hiện tái cơ cấu 152 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và không còn đường lùi mà SBIC phải thực hiện. Với sự vào cuộc hợp tác của các đối tác, trong đó có Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam, hy vọng SBIC sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra…
Nỗ lực của SBIC
Theo báo cáo của SBIC, trong năm 2014, SBIC đã hoàn thành tái cơ cấu 42 đơn vị, nâng tổng số đơn vị hoàn thành tái cơ cấu lên con số 100 đơn vị. Đây là kết quả không cao so với nhiệm vụ phải thực hiện nhưng là nỗ lực lớn của đơn vị khi phải thực hiện trong bối cảnh khó khăn từ nội tại Tổng công ty đến tác động không thuận của nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức.
Bên cạnh những kết quả cụ thể đã đạt được trong tái cơ cấu DN, trong năm 2014, SBIC cũng đã thực hiện rà soát 73 DN, chuyển giao một đơn vị là Công ty TNHH MTV Đầu tư và XNK Công nghiệp tàu thủy (Shinimex) sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Đồng thời, hoàn thành việc sáp nhập 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Thiết kế đóng tàu miền Nam và Công ty TNHH MTV công nghệ thông tin Bến Kiền vào Công ty mẹ-SBIC; cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Tôn Vinashin và bán cổ phần lần đầu ra công chúng Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây...
Đặc biệt, SBIC đã thực hiện xong tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài 135 triệu USD, nợ trong nước giai đoạn 1 là 16.613 tỷ đồng cả gốc và lãi. Cùng với đó, tiếp tục tập trung cơ cấu các khoản nợ trong nước giai đoạn 2, nợ Trái phiếu quốc tế vay lại Bộ Tài chính, nợ nhà thầu nhà cung cấp.
Nhiệm vụ tái cơ cấu trong năm 2015 của SBIC 152 DN. Cụ thể, chuyển nhượng 28 DN; giải thể 42 DN; phá sản 39 DN; sáp nhập 1 DN; rút giấy phép kinh doanh 6 DN; hình thức khác là 36 DN.
Để thực hiện kế hoạch cổ phần hóa các DN thành công, SBIC cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tạo cơ chế và điều kiện để tái cơ cấu triệt để các khoản nợ của SBIC và các đơn vị cổ phần hóa. Sau khi xử lý nợ, nếu các đơn vị vẫn âm vốn chủ sở hữu thì tiếp tục kiến nghị cho phép chuyển một phần khoản nợ chủ sở hữu thành vốn điều lệ để các đơn vị có đủ vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa. Mặt khác, SBIC đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cho phép thực hiện các thủ tục bán, chuyển nhượng tài sản xong rồi mới thực hiện việc nộp đơn phá sản.
Hợp sức từ DATC
Một trong những điểm đáng ghi nhận trong kết quả thực hiện tái cơ cấu DN thuộc SBIC đã và đang thực hiện là có sự tham gia rất tích cực của DATC trong xử lý tài chính, mua các khoản nợ của SBIC.
Điển hình là, trong năm DATC đã thực hiện xong việc mua nợ và kế thừa quyền chủ nợ của các ngân hàng BIDV Thăng Long, Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) Phú Yên, Ngân hàng Công t hương (Vietinbank) Hà Nội, Ngân hàng Quốc tế (VIB) Hà Nội và Ngân hàng Quân đội (MB) Hai Bà Trưng với tổng mệnh giá các khoản nợ là 359,808 tỷ đồng. Công ty đang tiếp tục đàm phán với các chủ nợ còn lại là Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agirbank), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) để thực hiện mua nợ của Công ty thực phẩm miền Bắc.
DATC đã và đang tích cực triển khai đàm phán mua một số khoản nợ của SBIC tại các ngân hàng nhằm giúp SBIC hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp đã đặt ra. Hình minh họa. Nguồn Internet.
Đối với Tổng công ty Haprocimex, DATC đã mua xong nợ của Vietcombank Hà Nội với tổng nợ là 396 tỷ đồng và đang tiếp tục đàm phán với các chủ nợ còn lại là các ngân hàng SHB, MB để thực hiện mua nợ. Sau khi mua xong nợ, DATC sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội triển khai tái cơ cấu 2 doanh nghiệp này trong năm 2015.
Bên cạnh đó, năm 2014, DATC đã thu hồi được 168 tỷ đồng do SBIC chuyển từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản bảo đảm nợ trái phiếu. DATC đã hoàn tất việc tái cơ cấu Công ty Tôn Vinashin và tiếp tục khảo sát, đánh giá để xây dựng các phương án cơ cấu đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC. Năm 2015, DATC sẽ tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ tại SBIC, xây dựng Quỹ thu hồi nợ SBIC.
Theo kế hoạch, năm 2015, DATC sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến cách tiếp cận, khai thác mua nợ từ các chủ nợ là các ngân hàng thương mại, kể cả VAMC và nợ phải thu của các DN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu đối với các DN đã được phê duyệt phương án tái cơ cấu trong năm 2014, đồng thời rà soát toàn bộ các DN đã mua nợ để đánh giá lựa chọn những DN đảm bảo tái cơ cấu thật sự có hiệu quả để triển khai công tác chuyển đổi trong năm 2015.