Tài sản các tỷ phú chứng khoán biến động thế nào trong năm Kỷ Hợi?
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, đất nước sẽ đón mừng năm Canh Tý (2020) với nhiều kỳ vọng về một năm kinh tế khởi sắc. Trước thềm năm mới, Nhadautu.vn xin điểm lại biến động khối tài sản trên sàn chứng khoán của một số tỷ phú nổi bật năm vừa qua.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng với bộ 3 cổ phiếu VIC, VRE, VHM trong nhóm VN30
Đến cuối quý III/2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm 25,54% vốn VIC và sở hữu gián tiếp 32,67% doanh nghiệp thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Thông qua VinGroup, ông Vượng cũng đang nắm cổ phần tại hai mã vốn hóa lớn khác là CTCP Vinhomes (nắm 69,66%) và CTCP Vincom Retail (Sài Đồng, doanh nghiệp sắp M&A vào VinGroup nắm 32,3%, VinGroup sở hữu 18,4%, Vinhomes nắm 8,3%).
Theo tính toán cơ học, tổng tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau 1 năm Kỷ Hợi vừa qua (tính từ phiên 11/2/2019 đến phiên 17/1/2020) đạt 474.402 tỷ đồng, tăng trưởng 9,0%.
Trong những năm qua, Vingroup tiếp tục tập trung và đẩy mạnh vào lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và những sản phẩm đầu tiên của Vinsmart, Vinfast chính thức ra đời. Không những vậy, VinGroup còn thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy với mục tiêu gia nhập thị trường hàng không trong tương lai không xa.
Ở chiều ngược lại, VinGroup đã chia tay một số mảng kinh doanh như bán lẻ (sáp nhập VinComerce vào Masan, trang thương mại điện tử Adayroi sáp nhập VinID) hay giải thể mảng điện máy VinPro.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu VinGroup vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư tổ chức. Trong năm qua, SK Group (Hàn Quốc) đã chi 1 tỷ USD mua cổ phần VinGroup. Ngoài ra, các cổ phiếu VIC, VHM, VRE đều được các quỹ ngoại như Dragon Capital, Tundra hay các nhóm quỹ ETFs tăng mạnh tỷ trọng trong danh mục.
Sau 9 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh 3 doanh nghiệp này đồng loạt tăng trưởng tốt.
Cụ thể, lũy kế doanh thu thuần Vingroup đạt 92.614 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 12% từ 8.377 tỷ lên 9.384 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng hơn gấp đôi lên 2.900 tỷ đồng.
Với VRE, lũy kế 9 tháng đạt doanh thu hơn 6.474 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng 15% lên mức 1.968 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của VinHomes cũng ấn tượng khi đạt 37.642 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 68%. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 17.347 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết với FLC và ROS
Nhắc đến tên tỷ phú Trịnh Văn Quyết, giới đầu tư không thể không kể đến 2 mã cổ phiếu nổi bật trên thị trường chứng khoán là FLC và ROS. Theo tìm hiểu, ông Quyết đang sở hữu 150,4 triệu cổ phiếu FLC, 291,2 triệu cổ phiếu ROS.
Nổi bật nhất trong số những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn của ông Trịnh Văn Quyết là CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS), có thời điểm cổ phiếu được đẩy lên tới hơn 225.000 đồng/cổ phiếu, song đến nay tính theo giá điều chỉnh thì đóng cửa phiên ngày 17/1 đã rớt xuống 10.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này vẫn còn cao nếu so với con số 4.120 đồng/cổ phiếu của mã FLC.
Là Chủ tịch HĐQT của các doanh nghiệp này nên ông Trịnh Văn Quyết cũng đang nắm giữ không ít cổ phiếu FLC và ROS. Việc sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu trong năm đã khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết "bốc hơi" mạnh.
Theo tính toán cơ học, tổng tài sản tỷ Trịnh Văn Quyết sau 1 năm Kỷ Hợi vừa qua (tính từ phiên 11/2/2019 đến phiên 17/1/2020) đạt 3.532 tỷ đồng, giảm 66,6%.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – VJC, HDB
Đến cuối quý III/2019, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm 35,9 triệu cổ phiếu HDB và nắm gián tiếp gần 130,9 triệu cổ phiếu HDB qua CTCP Sovico.
Tại VietJet Air, bà đang nắm trực tiếp 47,4 triệu cổ phiếu VJC, nắm 41,1 triệu cổ phiếu qua CTCP Sovico và 154,7 triệu cổ phiếu qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Theo tính toán cơ học, tổng tài sản bà Thảo sau 1 năm Kỷ Hợi vừa qua (tính từ phiên 11/2/2019 đến phiên 17/1/2020) đạt 40.823 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 15%.
Bên cạnh đó, kết quả tài chính của VJC và HDB đều ở mức ấn tượng.
Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất VJC đạt 38.134 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.206 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực vận tải hàng không đạt doanh thu 30.597 tỷ đồng.
Với HDBank, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3,448 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ - đạt cao nhất từ trước đến nay.
Ông Nguyễn Đăng Quang và Tập đoàn Masan
Là Chủ tịch tập đoàn Masan, nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ trực tiếp sở hữu 15 cổ phiếu công ty. Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quang đến từ số cổ phần thông qua các pháp nhân liên quan và người thân.
Theo tìm hiểu, 2 cổ đông lớn nhất của tập đoàn Masan hiện nay là Công ty Cổ phần Masan sở hữu 31,4% và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,3%.
Bên cạnh đó, CTCP Masan lại sở hữu 100% vốn Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Như vậy, pháp nhân này sở hữu gần 45% vốn Tập đoàn Masan.
Ông Quang cùng ông Hồ Hùng Anh được cho là 2 cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Masan với tỷ lệ sở hữu mỗi người khoảng 48%.
Tập đoàn Masan còn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 15% vốn tại Techcombank và ông Quang là người đại diện phần sở hữu này. Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến cũng nắm 3,65% vốn cổ phần Masan.
Theo cập nhật trên Forbes tính đến ngày 17/1, tổng tài sản ông Quang đạt 1,3 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long – Tập đoàn Hòa Phát
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long đang nắm trực tiếp 694,4 triệu cổ phiếu HPG và gián tiếp 1,3 triệu cổ phiếu. Trong năm Kỷ Hợi vừa qua, tổng tài sản của ông Long đạt 17.393 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4%.
Xét về kết quả kinh doanh, HPG sau 9 tháng đầu năm 2019 đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 84% lợi nhuận sau thuế năm 2019 với 5.655 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, thép Hòa Phát đã cho ra thị trường gần 2 triệu tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần thép Hòa Phát đạt 25%. Sản lượng bán hàng khu vực miền Nam tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước với 280.000 tấn. Tiếp đó là khu vực miền Trung với gần 300.000 tấn, tăng 53% so với 9 tháng 2018.