Tại sao Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thiếu điện trầm trọng?
Hàng loạt ngành sản xuất quan trọng tại Trung Quốc: từ sản xuất nhôm cho đến hàng hóa dệt may hay sản xuất đậu tương đã bị yêu cầu phải cắt giảm hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa một phần hoạt động.
Trong bối cảnh những rắc rối liên quan đến tập đoàn bất động sản Evergrande đã gây chấn động khắp hệ thống tài chính Trung Quốc, Trung Quốc cùng lúc đó đang đương đầu với cuộc khủng hoảng khác có thể gây tổn hại nặng nề đến kinh tế nước này: thiếu điện.
Theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải, việc hạn chế tiêu thụ điện có nguyên nhân trực tiếp từ việc nhu cầu điện tăng lên, giá than đá và khí đốt tăng mạnh cũng như các biện pháp hạn chế ngặt nghèo từ Bắc Kinh nhằm cắt giảm khí thải.
Hàng loạt ngành sản xuất quan trọng tại Trung Quốc: từ sản xuất nhôm cho đến hàng hóa dệt may hay sản xuất đậu tương đã bị yêu cầu phải cắt giảm hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa một phần hoạt động.
Khoảng một nửa trong tổng số 23 tỉnh thành của Trung Quốc không thể thực hiện được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng mà Bắc Kinh đưa ra và hiện đang chịu nhiều áp lực trong việc cắt giảm tiêu thụ điện năng. Những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, những tỉnh công nghiệp quan trọng chiếm khoảng 30% kinh tế Trung Quốc.
“Khi sự quan tâm của thị trường hiện đang tập trung vào Evergrande và những biện pháp siết chặt chưa từng có mà Bắc Kinh áp với thị trường bất động sản, một cú sốc khác từ phía nguồn cung có thể đang chưa được nhìn nhận đúng đắn hoặc thậm chí bỏ qua”, chuyên gia phân tích thuộc Nomura Holdings trong đó có ông Ting Lu viết trong một nghiên cứu gần đây. Ông Lu dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm trong quý này.
Tình trạng thiếu điện ngày một tồi tệ tại Trung Quốc hiện đang không được quan tâm đủ nhiều bởi thị trường đang chủ yếu tập trung vào việc liệu Evergrande có vỡ nợ. Thực trạng thiếu điện phản ánh việc nguồn cung điện trên toàn cầu cực kỳ hạn chế đã gây rối loại nhiều thị trường tại châu Âu. Việc kinh tế hồi phục sau thời kỳ phong tỏa do đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhu cầu điện từ các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng lên bởi đầu tư hạn chế của các bên khai thác điện hạn chế sản xuất điện.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc có nguyên nhân trực tiếp từ việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cố gắng đảm bảo Trung Quốc sẽ có bầu trời trong xanh tại Thế Vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022, đồng thời nó cũng thể hiện với quốc tế rằng chủ tịch hoàn toàn nghiêm túc với mục tiêu giảm các bon hóa nền kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang đương đầu với rủi ro thiếu trầm trọng than đá và khí đốt sử dụng để sưởi ấm nhà cửa và vận hành các nhà máy vào mùa đông năm nay.
Giá than đá hợp đồng tương lai tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong tháng vừa qua, lập nhiều kỷ lục mới bởi những lo lắng liên quan đến sự an toàn của các mỏ và tình trạng ô nhiễm gây suy giảm sản xuất nội địa. Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn cấm nhập khẩu than đá từ Australia.
Cùng thời điểm này, giá khí đốt tại nhiều khu vực, từ châu Âu cho đến châu Á, đã tăng lên những mức kỷ lục mới bởi các nước chạy đua giành nguồn cung nhằm bù lại cho nguồn cung suy giảm trước đó.
Trong những đợt cao điểm tiêu thụ điện năng trước đó ở Trung Quốc, nhiều người đã sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel để có thể bù đắp được lượng điện thiếu hụt từ mạng lưới điện quốc gia. Trong năm nay, tình trạng thiếu điện có thể sẽ tiếp tục xảy ra nhưng ở mức độ tồi tệ hơn khi mà chính phủ có chính sách hạn chế ngành năng lượng tăng sản lượng nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng cao hơn, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Shanxi Jinzheng Energy – ông Zeng Hao.
Công ty sản xuất nhôm Yunnan Aluminum, một trong những doanh nghiệp cung cấp nhôm lớn tại Trung Quốc, đã buộc phải giảm sản lượng do đương đầu với sức ép từ phía Bắc Kinh. Cú sốc này cũng đang rất rõ ràng tại nhiều doanh nghiệp thực phẩm ở Trung Quốc. Ở Thiên Tân, nhiều nhà máy sản xuất đậu tương, chuyên chế biến từ hạt đậu thành dầu hoặc thức ăn chăn nuôi, cũng đã bị buộc phải đóng cửa.