Tài xế nhiều năm lái xe xăng chuyển sang VF 5 Plus: Thu nhập tăng 40%, nhiều điểm vượt kỳ vọng
Giới tài xế đánh giá VinFast VF 5 Plus có nhiều điểm hơn xe xăng cùng hạng, đồng thời là mẫu xe phù hợp làm kinh doanh khi tiết kiệm rất nhiều chi phí.
“VinFast VF 5 Plus đã cải thiện cuộc sống của tôi”
Ai là người có thể cảm nhận rõ nhất ưu nhược điểm của xe điện? Đó chắc chắn phải là các tài xế taxi điện - những người phải chạy hàng trăm km mỗi ngày, không thiếu những cuốc đường dài và thời gian ra trạm sạc nhiều hơn bất cứ ai. Anh Bùi Văn Vũ, một tài xế taxi Xanh SM ở TP.HCM, là một người như vậy.
Trước khi gia nhập Xanh SM, anh Vũ đã làm tài xế cho một hãng taxi truyền thống 6 năm. Sau đó, anh nghỉ việc mua một chiếc xe xăng hạng A để đăng ký các ứng dụng chạy xe công nghệ. Tuy nhiên, thu nhập không được như kỳ vọng vì chi phí cao. Trong lúc đang phân vân thì Xanh SM được thành lập, anh quyết định thử một hướng đi mới.
Ảnh 2: Anh Vũ ghi nhận sử dụng xe điện tiết kiệm chi phí nhiên liệu hơn nhiều so với xe xăng.
Từ khi gia nhập đội ngũ tài xế xe điện, nguồn thu nhập của anh khả quan hơn hẳn. Anh tính toán, VinFast VF 5 Plus chạy 100 km tốn khoảng 14 kWh điện. Với giá tiền điện hiện tại vào khoảng hơn 3.800 đồng/kWh, trung bình 100 km anh chỉ mất khoảng 54.000 đồng cho việc nạp điện. Con số này tiết kiệm hơn rất nhiều so với xe xăng cùng hạng.
Anh cho hay, trước kia lái xe xăng cùng phân khúc, chạy 100 km sẽ mất khoảng 7 lít xăng. Với giá xăng biến động liên tục, có thời điểm lên tới hơn 25.000 đồng/lít, trung bình sẽ mất khoảng 175.000 đồng cho 100 km, tức là hơn gấp 3 lần chi phí chạy xe điện.
“Qua thực tế trải nghiệm, chi phí sử dụng xe điện thực sự rất thấp. Dù là vận hành hay bảo dưỡng đều dễ chịu hơn hồi tôi còn lái xe xăng. Việc tiết kiệm chi phí này tạo điều kiện để gia tăng thu nhập hơn trước”, anh Vũ cho hay.
Cụ thể hơn, anh tiết lộ, hiện tại, anh nhận về khoảng 25 triệu/tháng. Sau khi trừ đi chi phí cho xe khoảng tầm 3,6 triệu chủ yếu cho sạc điện, vẫn còn hơn 21 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể đến tiền tip. Nhìn chung, mức thu nhập của anh tăng khoảng 40% so với trước kia sử dụng xe chạy xăng.
Cả tài xế và người ngồi sau đều thích khi ngồi trong xe điện
Lái VinFast VF 5 Plus được khoảng 6 tháng, anh Vũ đã trải qua các lần cập nhật phần mềm - một nét rất khác biệt với xe xăng và cũng là điểm khiến anh đặc biệt hài lòng. Mỗi lần như vậy, anh đánh giá chiếc xe lại tốt hơn, trơn tru, êm ái hơn. Trong khi đó, với xe xăng, chủ xe không thể chủ động cập nhật tính năng hay cải thiện trải nghiệm lái xe, mà chỉ có thể “độ” thêm hoặc mua xe đời mới hơn.
Không những vậy, công nghệ cũng là điểm khác biệt rất lớn. Những chiếc xe anh Vũ sử dụng trước kia đều là xe xăng hạng A. Công nghệ trên những xe này gần như không đáng kể. Do đó, khi chuyển qua lái chiếc xe điện hạng A của VinFast, anh rất ngạc nhiên trước những trang bị có trên xe như trợ lý ảo, cảnh báo điểm mù…
“Những công nghệ này hỗ trợ giúp tài xế dễ dàng quan sát xung quanh hơn, xử lý tình huống tốt hơn”, anh cho biết.
Anh Vũ đặc biệt đánh giá cao trợ lý ảo. Khi muốn mở hay tắt điều hòa, tăng giảm nhiệt độ theo yêu cầu của khách hàng… anh chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói, chiếc xe sẽ tự động điều chỉnh theo mong muốn. Trong lúc đó, anh vẫn có thể tập trung vào đường đi, nhờ đó hạn chế các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Không chỉ mang lại lợi ích cho tài xế, chiếc xe điện cũng giúp khách hàng - những người ngồi sau cảm thấy thoải mái hơn. Anh Vũ cho hay, đa phần khách hàng cảm thấy hài lòng khi được đưa đón bằng xe điện. Họ đánh giá tài xế thân thiện, xe lại “3 không” - không khói, không mùi, không ồn.
Thậm chí, một vị khách nữ từng chia sẻ với anh, mỗi khi buộc phải gọi taxi, cứ mở cửa là cảm thấy say xe ngay. Nhưng khi ngồi trên chiếc xe điện VinFast VF 5 Plus, cảm nhận của chị hoàn toàn khác biệt.
“Vị khách nữ đã thốt lên: ‘Sao đi xe của mấy hãng khác, chị lên xe là say liền, mà đi xe của em chị không thấy say chút nào?’ Đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu được xe điện mang đến lợi ích như thế nào cho người sử dụng”, anh tâm sự.
Tầm vận hành hợp lý, độ phủ trạm sạc tốt
Là một người phải chạy xe cả ngày, có những lúc phải chở khách đi các tỉnh như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, miền Tây…, anh Vũ chia sẻ tầm vận hành hơn 300 km của VinFast VF 5 Plus là phù hợp. Cứ sau một ngày lái xe chở khách, tối về anh ra trụ sạc VinFast sạc đầy bình là sáng hôm sau xe sẵn sàng đi tiếp, chở khách tới trưa chỉ cần “châm” thêm 20-30% pin là đủ dùng tới khuya.
Còn khi ra các tỉnh, trạm sạc của VinFast có độ phủ tốt, do đó, anh chưa từng phải băn khoăn về vấn đề quãng đường hay trạm sạc. Trong các chuyến đi xa, trong lúc chờ khách, anh tranh thủ cắm sạc khoảng 45 phút là “xông xênh” chở khách về TP.HCM mà không phải lo lắng gì.
“Thời gian sạc xe cũng là khoảng thời gian quý giá để tôi có thể nghỉ ngơi chứ không phải thời gian chết. Nhiều khi, uống chưa xong cốc cà phê thì pin đã đầy rồi”, anh Vũ kể.