Tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, chứng khoán có thêm phiên tăng điểm quan trọng
Theo các chuyên gia chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại, lực cầu lớn tham gia khi mặt bằng giá cổ phiếu ở mức thấp đã hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam một số phiên gần đây. Minh chứng rõ nhất khi phiên cuối tuần ngày 27/5, Vn-Index đã tăng 16,88 điểm (+1,33%), lên 1.285,45 điểm, trong khi VN30-Index cũng tăng hơn 26 điểm (2%), lên 1.335,68 điểm.
Tính từ đầu tháng 4/2022 tới trung tuần tháng 5/2022, TTCK Việt Nam đã có sự sụt giảm lớn khi VN-Index đã giảm từ mức cao 1.530 điểm xuống mức thấp nhất là 1.156 điểm, tương ứng giảm hơn 24% trong khoản 1,5 tháng. Đây là mức giảm lớn trong khoảng thời gian ngắn dưới áp lực bán tháo của nhà đầu tư khi chịu tác động tiêu cực từ nhiều phía.
Tuy nhiên, kể từ ngày 17/5 cho tới nay,TTCK đã có sự hồi phục tích cực trở lại với VN-Index tăng trở lại lên mức gần 1.270 điểm hiện tại (tăng 9,8%) trong gần 2 tuần qua. Đặc biệt, trong ngày phiên ngày 27/5, VN-Index tăng gần 17 điểm, đưa Vn-Index lên trên 1.285 điểm nhờ lực kéo của nhóm vốn hóa lớn.
Cụ thể, chốt phiên, sàn HOSE có 308 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index tăng 16,88 điểm (+1,33%), lên 1.285,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 607,22 triệu đơn vị, giá trị hơn 16.091 tỷ đồng, tăng 12% về khối lượng và 16,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 986 tỷ đồng.
Sàn HNX đóng cửa với 123 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index giảm 2,12 điểm (-0,68%), xuống 311,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70 triệu đơn vị, giá trị gần 1.600 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,32 triệu đơn vị, giá trị 65,25 tỷ đồng.
Thị trường UPCoM đóng cửa với UpCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,1836 lên 95,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,42 triệu đơn vị, giá trị 734,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 5,18 triệu đơn vị, giá trị 104,77 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2206 đáo hạn gần nhất tăng 21,6 điểm (+1,7%) lên 1.322,5 điểm, khớp lệnh hơn 255.620 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.550 đơn vị.
Bên cạnh lực cầu trong nước sôi động, nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực hơn trong phiên cuối tuần ngày 27/5 khi trở lại mua ròng gần 150 tỷ đồng, với tâm điểm là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và cổ phiếu bluechip.
Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng 5,26 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 123,62 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 9,07 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 276,75 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại đã mua ròng 534.200 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 17,23 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó chỉ mua ròng 5.800 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 0,51 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, khối ngoại đã mua ròng 63.400 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 2,65 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó bán ròng 2,29 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 63,25 tỷ đồng.
Như vậy, sau một số phiên đi ngang và tăng liên tiếp, Vn-Index ngày cuối tuần 27/5 tăng 16,88 điểm (+1,33%), lên 1.285,45 điểm, trong đó, điểm tích cực nhất chính là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định trở lại, lực cầu lớn tham gia khi mặt bằng giá cổ phiếu ở mức thấp đã hỗ trợ cho đà hồi phục gần đây.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, trong thời gian tới, có cả các yếu tố hỗ trợ đà tăng của thị trường. Theo đó, TTCK Việt Nam sẽ nhận được yếu tố như: Sự trở lại của dòng tiền khi thị trường đã về vùng định giá thấp, trong đó dòng tiền nội vẫn là động lực khi lãi suất trong nước vẫn thấp và lạm phát chưa quá căng thẳng. Khối ngoại trở lại mua ròng tích cực hơn tại nhóm bluechips, trong đó dòng tiền vào các quỹ ETF là một yếu tố kỳ vọng.
Bên cạnh đó, sự hồi phục chung của nền kinh tế sẽ giúp tăng trường lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cao hơn kéo theo dòng tiền chủ động đầu tư dài hạn tham gia tích cực trở lại. TTCK kỳ vọng những thay đổi trong chính sách quản lý TTCK của các cơ quan quản lý sẽ theo hướng hỗ trợ thị trường phát triển, tránh vì một vài trường hợp cá biệt mà bóp nghẹt sự phát triển của thị trường, gây áp lực thanh khoản lên TTCK trong ngắn hạn.