Tầm nhìn chính sách

TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH

(Tài chính) Nhìn vào hai chỉ số tăng trưởng và lạm phát của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng từ năm 2005 đến nay vẫn trong chu kỳ đi xuống, đến năm 2013 và hai tháng đầu năm 2014 đã có sự nhích lên. Về tổng thể, cơ cấu kinh tế thay đổi theo thời gian.

 Tầm nhìn chính sách
Những phân tích số liệu cho thấy có một dấu hiệu nhẹ về sự phục hồi của nền kinh tế. Nguồn: internet

Xuất hiện dấu hiệu hồi phục

Mức đóng góp vào tăng trưởng khác nhau, chủ yếu đến từ lĩnh vực xây dựng, dịch vụ. Động lực tăng trưởng, nhiều người nói là nông nghiệp, nhưng đóng góp của ngành này vào GDP rất khiêm tốn. Điều này, thể hiện bản chất của ngành nông nghiệp, một ngành mang tính hỗ trợ, thụ động. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ đề xuất nông nghiệp là ngành dẫn dắt, bởi nó liên quan đến chính sách phát triển của đất nước trong tương lai.

Lạm phát theo tháng có xu hướng giảm dần. Lạm phát lõi (loại trừ yếu tố thực phẩm) và lạm phát toàn phần đều theo hướng này. Xét về tổng cung và tổng cầu thì ngành nông nghiệp có sự đi xuống, với tăng trưởng thủy sản giảm mạnh, liên quan cả từ phía cầu thế giới và cấu trúc thị trường, khả năng sản xuất...

Về công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành (IIP) năm 2013 thấp hơn rất nhiều so với 2010. Năm 2010, chỉ số IIP đạt trên 10% nhưng từ năm 2011 đến nay đã liên tục giảm xuống, dưới 10% và chỉ gần đây mới có khuynh hướng phục hồi nhẹ. Nhìn vào chỉ số thực, sản xuất công nghiệp giảm một cách tương đối trong tháng 1 và 2 năm 2014. Nhưng nếu loại bỏ các yếu tố mùa vụ, ví dụ nghỉ Tết rơi vào tháng 2, thì sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu đi lên.

Cùng thời điểm này, tiêu thụ và tồn kho cũng có dấu hiệu tích cực, dù rất nhẹ. Những điều này liên quan đến chính sách của cả năm 2014 cho sản xuất công nghiệp.

Một chỉ số nữa cho thấy nền kinh tế đang phục hồi nhẹ, đó là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của HSBC. Kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, cho thấy, từ quý II năm 2011 cho đến quý III năm 2013, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp, nhưng từ đầu quý IV năm 2013 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhẹ.

PMI là cơ sở dữ liệu do tư nhân tự điều tra, khác với các chỉ số của các cơ quan nhà nước, của Tổng cục Thống kê mà nhiều người có sự nghi ngờ nhất định về sự trung thực.

Xét thị trường tiền tệ, lãi suất điều hành lên, xuống trong nhiều năm và hiện đang giảm về mức năm 2000, một mức tốt. Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách lớn.

Bây giờ, việc vay nước ngoài để tài trợ ngân sách như trước đây không đơn giản. Với thế giới, Việt Nam không phải là con nợ có hồ sơ đẹp, bởi thực trạng kinh tế trong nước, bởi cách thức giao tiếp với thế giới thông qua các khoản vay của Vinashin. Vì vậy, vay trong nước là chính, cho nên trái phiếu được tăng cường và tăng đột biến từ giữa năm 2012, thời kỳ kinh tế khó khăn nhất.

Nếu so sánh, có thể thấy từ năm 2008 trước khủng hoảng, mức dư nợ thấp nhưng đến nay đã tăng lên tới gấp 3 lần. Điều này lý giải tại sao nợ công tăng nhanh, tạo sức ép lên tăng trưởng trung và dài hạn.

Chính sách phải theo sát thực tế

Những phân tích số liệu cho thấy có một dấu hiệu nhẹ về sự phục hồi của nền kinh tế. Đó là những yếu tố cơ bản nhất của nền kinh tế trong chỉ báo hiện nay. Tuy nhiên, với chu kỳ phát triển dài hạn, vấn đề không đơn giản, bởi hai điểm đáng quan ngại.

Thứ nhất, nếu giới chính sách nhận thức rằng, tăng trưởng đang phục hồi nhanh và vững chắc, không cần cải cách nữa, thì đó là một bước lùi, không tận dụng được cơ hội của tăng trưởng ngắn hạn.

Cải cách nền kinh tế được đề xuất từ năm 2011, năm 2012 và 2013 chỉ đưa ra được mấy vấn đề nhằm ổn định lại trạng thái. Năm 2014, thông điệp của Thủ tướng cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ, gần 500 doanh nghiệp buộc phải cổ phần hóa. Tăng trưởng có dấu hiệu trở lại, song chỉ trong ngắn hạn còn chu kỳ dài hạn của nền kinh tế vẫn đi xuống, có thể kéo dài 10 năm. Năng suất suy giảm liên tục từ năm 2005 đến nay đòi hỏi những cải cách căn bản, cốt lõi để có thể vực dậy chu kỳ dài hạn của nền kinh tế.

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phân tích kỹ tác động của các chính sách đã đưa ra, để có sự điều hành phù hợp kể từ thời điểm này.

Thứ hai, nếu vẫn quyết định gói 30 nghìn tỷ đồng, gói 100 nghìn tỷ đồng cho thị trường bất động sản ấm lên hay cố gắng giảm lãi suất, thì dòng vốn được kích thích sẽ lại chảy vào thị trường tài sản, khu vực mang lại lợi nhuận nhanh hơn, dễ hơn. Mặt khác, động thái này sẽ hình thành nên những “bong bóng”, mà thị trường chứng khoán, nơi phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế là một ví dụ.

Vì vậy, các nhà điều hành chính sách tài chính, tài khóa cần sớm đưa ra chính sách kịp thời với chu kỳ phục hồi nhẹ và ngắn hạn đang xuất hiện. Bây giờ phải rút lại các chính sách liên quan đến kích thích kinh tế được sử dụng liên tục từ năm 2010 đến nay, phải lái nguồn vốn hiếm hoi hiện nay vào nền sản xuất thực, khu vực đang rất cần vốn để phục hồi.

Các chính sách cần phải linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và diễn biến thực tế một cách thận trọng, tránh làm giảm động cơ, động lực cải cách những lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế, bởi đó là những lính vực sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam vào chu kỳ phát triển dài hạn.