Tạm ứng bồi thường hơn 956 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Tuấn Thủy

Tính đến ngày 9/1/2025, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường 956,5 tỷ đồng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi).

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, trực tiếp đến hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để giám định, tạm ứng bồi thường.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, trực tiếp đến hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để giám định, tạm ứng bồi thường.

Công tác bồi thường thiệt hại gặp khó

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến ngày 09/01/2025, trên cơ sở báo cáo của 31/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19/19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường 956,5 tỷ đồng.

Ước tính, tình hình thiệt hại, tạm ứng và bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm như sau: Về người: 161 vụ, số tiền bảo hiểm ước tính là 25,7 tỷ đồng. Về tài sản và các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác: 14.622 vụ, ước tính thiệt hại là 10.849,2 tỷ đồng.

Công tác khắc phục hậu quả còn chậm do thiệt hại lớn và xảy ra tập trung ở một số địa phương dẫn đến thiếu nguồn nguyên vật liệu và nhân công để sửa chữa, khắc phục hậu quả, thời gian khắc phục kéo dài, chi phí khắc phục gia tăng trong khi đó chi phí thanh lý thu hồi giảm.

Đối với công tác giám định, về cơ bản đã được thực hiện xong nhưng còn chậm do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do số lượng các vụ tổn thất và giá trị tổn thất là đặc biệt lớn, tập trung vào một thời điểm nên doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn về việc bố trí đủ nhân sự thực hiện công tác giám định giải quyết bồi thường.

Nhiều trường hợp các tài sản bị thiệt hại là các tài sản, thiết bị đặc thù, cần sự tham gia giám định của các doanh nghiệp giám định quốc tế do các doanh nghiệp giám định trong nước chưa thực hiện được việc giám định các tài sản thiết bị này.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp áp lực về việc phải đẩy nhanh thời gian bồi thường bảo hiểm vì nếu thời gian bồi thường bảo hiểm kéo dài, các doanh nghiệp còn phải bồi thường thêm chi phí gián đoạn kinh doanh (nếu khách hàng có tham gia bảo hiểm gián đoạn kinh doanh).

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã hoàn tất xong công tác giám định hiện trường và đang phối hợp chặt chẽ với công ty giám định và khách hàng để hoàn tất báo cáo giám định và xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng, bồi thường gần xong cho khách hàng.

Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm có giá trị thiệt hại và mức trách nhiệm cao như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu…, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam thường phải tái bảo hiểm ra nước ngoài. Như vậy, cũng cần có thời gian để các nhà tái bảo hiểm nước ngoài đánh giá tổn thất, xác nhận bồi thường bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng lớn

Qua ghi nhận thực tế, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh sau đợt bão lũ lịch sử hồi tháng 9/2024, tuy nhiên, nhờ có sự chủ động các phương án tái bảo hiểm và quản trị rủi ro, nên năng lực tài chính của các doanh nghiệp cơ bản đều được đảm bảo.

Đến thời điểm này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả, đặc biệt là các nghiệp vụ bảo hiểm có giá trị thiệt hại và mức trách nhiệm cao do liên quan tới các hoạt động tái bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam với các nhà tái bảo hiểm nước ngoài.

Có thể nói, đến thời điểm này, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2024. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 1.007.204 tỷ đồng, tăng 10,88%; các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 850.075 tỷ đồng, tăng 13,17%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 210.124 tỷ đồng, tăng 6,45%.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 93.906 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước - đây là chỉ tiêu tăng mạnh nhất, phần nào cho thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm, cũng như vai trò của ngành Bảo hiểm đối với nền kinh tế.