Tận dụng cơ hội thương mại để phát triển
Để thực hiện được các cam kết khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chính phủ cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị quốc tế Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng do Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức sáng 15/3.
Cải thiện môi trường kinh doanh chưa bền vững
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, trong đó, đáng chú ý là việc liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cũng theo các chuyên gia, việc thực hiện Nghị quyết đang ngày càng hiệu quả, mỗi năm Chính phủ đều có những biện pháp mới, điển hình như việc thành lập tổ công tác để giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Còn theo đánh giá của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này được phản ánh qua kết quả xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên 55/137); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 69/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Ngoài ra, năm 2017, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập gồm Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam năm 2016 từ mức ổn định lên mức tích cực. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu như: Chưa đạt được trung bình của ASEAN 4 về môi trường kinh doanh, số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất từ 1/3 - 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành…
Nguyên nhân là do tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, sự vào cuộc chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; nhiều nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, chậm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
“Các bộ, ngành giống như những toa tàu, có những bộ, ngành đã đến ga cuối cùng nhưng cũng có bộ, ngành còn chưa đến ga đầu tiên”, ông Cung ví von.
Khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19, cũng như giải quyết triệt để được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chuyên gia Phạm Chi Lan kiến nghị, Chính phủ cần rà soát, đưa ra danh mục các điều kiện kinh doanh cần xóa bỏ và có bản theo dõi tiến độ thực hiện. Thay vì chờ đợi các bộ, Thủ tướng có thể căn cứ vào việc thực hiện theo tiến độ đã đề ra để ra quyết định cắt giảm những điều kiện kinh doanh không phù hợp. Đồng thời, có những biện pháp kỷ luật ngay đối với những bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng theo tiến độ gây cản trở cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất thêm một số giải pháp như cần nâng cao vai trò giám sát, công cụ đánh giá của doanh nghiệp và người dân để tránh tình trạng một số bộ, ngành gộp nhiều điều kiện kinh doanh vào làm một thay vì xóa bỏ hoàn toàn; đưa thêm chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tự do kinh tế… vào bộ tiêu chuẩn, thước đo để đánh giá chính xác, toàn diện kết quả cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đồng thời là công cụ để tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý; Chính phủ cần ban hành luật về hội doanh nghiệp, khuyến khích hội phát triển để hội không chỉ là tiếng nói trong việc cải thiện môi trường kinh doanh mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Mặt khác, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong phát triển kinh tế của Việt Nam và vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Mặc dù đánh giá cao những cải cách của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh gây cản trở cho doanh nghiêp, tuy nhiên chuyên gia này kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp tư nhân cũng như tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển.
Đối với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực từ nhân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Vịnh kiến nghị, Chính phủ cần lấy phát triển khu vực tư nhân làm động lực và tận dụng các cơ hội thương mại để tăng trưởng. Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô thông qua tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa thị trường yếu tố sản xuất về tài chính, đất đai; cùng với đó là đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Còn bản thân khu vực tư nhân, các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận và có chương trình đổi mới nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đẩy mạnh liên kết hợp tác thông qua các hiệp hội ngành nghề.