Doanh nghiệp Việt và mục tiêu phát triển bền vững:
Tận dụng cơ hội trong thách thức
Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, các doanh nghiệp đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng và đầu tư vào phát triển bền vững là cơ hội thị trường lớn. Đó là nhận định của các chuyên gia trong Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 diễn ra sáng ngày 10/10, tại Hà Nội.
Nhiều thách thức
Theo Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức đến từ tăng trưởng. Cùng với đó, biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Các tác động của biến đổi khí hậu gây ra thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi, tác động lớn tới đời sống con người. Mới đây, các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Philippines cũng chịu nhiều thiệt hại bởi bão lũ, thời tiết cực đoan. Ở Việt Nam, mưa bão, lũ ống, lũ quét gia tăng gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, bùng nổ dân số cũng gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, nước ta vẫn còn nhiều lĩnh vực phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp. Xây dựng nông nghiệp bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phải làm sao nâng cao được chuỗi liên kết, tạo khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, tạo môi trường để các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả. Bên cạnh đó, xóa đói giảm nghèo cùng với bảo vệ môi trường đang là thách thức lớn phải giải quyết. Trước bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững có thể mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, ông Tuấn nhận định.
Chủ tịch VCCI kiêm đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nhận thức sâu sắc rằng thế giới đang thay đổi, kỉ nguyên của công nghệ số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Nếu như trước đây hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đáp ứng được nhiều về yêu cầu của nền kinh tế thì với bối cảnh nền công nghệ số hiện nay, các doanh nghiệp lớn đang nhỏ lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần lớn lên. Minh chứng cho điều này, ông Lộc cho biết một hộ nông dân ở vùng đất xa xôi của Việt Nam cũng có thể tham gia vào nền kinh tế toàn cầu khi kinh doanh theo chuỗi liên kết. Đây cũng là thách thức đặt ra với các doanh nghiệp lớn phải làm sao duy trì và phát huy khả năng của mình.
Khẳng định vai trò của khối tư nhân
Nhận thức rõ những đóng góp quan trọng về sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân vừa là chủ thể tác động của biến đổi khí hậu vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia và chuyển thách thức thành cơ hội, tạo ra các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều cơ hội cho khối tư nhân tham gia và phát huy thế mạnh trong những lĩnh vực đầy hứa hẹn gồm năng lượng tái tạo; đô thị giao thông thông minh, thân thiện hệ sinh thái; công trình và giải pháp thích ứng hoặc tăng khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu; dịch vụ khí hậu…
Ông Nhân cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặt khối tư nhân xứng tầm với vai trò, thế mạnh của khối để đề ra các giải pháp phù hợp, phát triển nền kinh tế phát thải ít carbon, hạn chế và tiến tới xóa bỏ các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc rà soát, cập nhật Quy định đóng góp do các quốc gia quyết định (NDC), xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Tăng cường giám sát, thực hiện và phát hiện kịp thời các vướng mắc để cập nhật, điều chỉnh một cách kịp thời, linh hoạt các chính sách. Khối tư nhân cũng cần chủ động, tích cực tham gia việc triển khai thực hiện thỏa thuận này, ông Nhân nhận định.
Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, vượt trên những khó khăn của hiện tại, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội mới, trong đó có việc mở rộng đầu tư vào ngành nông nghiệp nhiều hơn bởi doanh nghiệp chính là động lực, lực lượng dẫn dắt và là lực lượng chính tham gia vào sự thành công của mục tiêu phát triển bền vững.
Cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, phương hướng quốc tế hóa các doanh nghiệp nhỏ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp cận mô thức phát triển theo kiểu bền vững, tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu, đó là tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ cũng phải bắt đầu những bước chân kinh doanh đầu tiên của mình theo cách thức bền vững. Chính những đầu tư vào phát triển bền vững là cơ hội thị trường lớn cho các doanh nghiệp và cũng là cơ hội để doanh nghiệp huy động được nguồn vốn đầu tư.