Những điểm mới về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/ 2018, với nhiều quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điểm mới trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện nay là một khu vực có số lượng rất lớn và có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hiện cả nước có hơn 6 triệu doanh nghiệp và 8 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Các hộ kinh doanh cá thể không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước.
Theo Nghị Định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân có nhiều điều kiện thuận lợi. Đối với loại hình doanh nghiệp khác (như Công ty TNHH, Công ty cổ phần…) thì cần đáp ứng các quy định của Luật doanh nghiệp.
Căn cứ theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Điều 16 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh:
Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Thứ hai, nội dung hỗ trợ bao gồm:
a) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
b) Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
c) Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
d) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
đ) Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thứ ba, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ theo quy định trên thì khi hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp, miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chuyển đổi từ hộ cá thể lên doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hộ cá thể sử dụng trên 10 lao động thì việc chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp là tất yếu và cần thiết cho sự phát triển.
Khi kinh doanh theo mô hình nhỏ (hộ cá thể) có một số hạn chế như: Không có tư cách pháp nhân; phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Chuyển đổi sang doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn, có tư cách pháp nhân, con dấu và tiến hành kinh doanh chuyên nghiệp hơn.