Tăng cơ hội kết nối kinh doanh từ nền kinh tế số
Không chỉ đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ, đặc biệt là một số tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới còn đặt kỳ vọng về sự phát triển kinh tế số (KTS) tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển nền KTS rất cần vai trò đòn bẩy của Chính phủ.
Quốc gia kỹ thuật số, cơ hội nào cho Việt Nam?
Tại Hội nghị Thượng đỉnh DN Hoa Kỳ - Việt Nam 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Konstantin Matthies, chuyên gia kinh tế học vi mô của AlphaBeta Advisors cho biết, việc phát triển KTS có thể giúp cho khu vực Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ, đem lại từ 5 tỷ USD trong năm 2015 lên 58 tỷ USD trong năm 2020, tạo ra hơn 1 tỷ việc làm, trong đó có 48.000 việc làm ứng dụng trực tiếp công nghệ nền tảng mở, tự động hóa. Thông qua việc ứng dụng kỹ thuật số, các nước thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ giảm được 40% chi phí so với các cách thức truyền thống. Trong đó, ngành công nghiệp dịch vụ giảm 82% chi phí.
Theo vị chuyên gia này, nói đến một quốc gia số là nói đến một quốc gia có động lực thúc đẩy rất tích cực nền KTS, đối lập với cách tiếp nhận đơn thuần thụ động đối với các sản phẩm và dịch vụ số. Thực tế thời gian qua cho thấy, Việt Nam đã có những vườn ươm DN trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đây là một dấu hiệu tốt cho thấy sự tích cực, chủ động của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc quản lý tại Việt Nam của BowerGroup Asia cho rằng, quốc gia nào cũng mong muốn thúc đẩy phát triển KTS, nhưng không phải quốc gia nào cũng biết cách để tối đa hóa cơ hội đó.
Đối với Việt Nam, theo ông Konstantin Matthies, ở đây vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nền KTS, do đó cần nắm bắt các tiến bộ, cải thiện các hoạt động như nguồn vốn con người, kỹ năng con người... Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch, tiến lên phía trước. Và để trở thành quốc gia số, Việt Nam cần biết cảm nhận của các bên hữu quan để biết được điểm mạnh, yếu của mình, học hỏi các quốc gia khác, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.
Vai trò đòn bẩy của Chính phủ
Vậy, làm thế nào để tạo đòn bẩy tốt hơn cho nền KTS phát triển tại Việt Nam, giúp cho DN nắm bắt được cơ hội? Các chuyên gia nhấn mạnh 3 vấn đề cần quan tâm là: giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số; thu hút nhân tài kỹ thuật số; cân bằng chính sách giữa DN trong và DN ngoài nước.
Để tạo đòn bẩy cho nền KTS phát triển, ông Konstantin Matthies cho rằng, điều quan trọng nhất là Chính phủ phải đồng bộ hóa về giáo dục, đào tạo để tăng cường lực lượng lao động có kỹ năng, năng lực kỹ thuật số cung cấp cho thị trường. Trong đó, cần chuyển đổi tư duy ngành nghề, cải thiện tính năng động, đa dạng của lực lượng lao động để áp dụng được nhiều loại hình, cụm công việc với kỹ năng khác nhau, giúp người lao động dễ chuyển đổi công việc. Thứ hai là Chính phủ cần chủ động, tích cực thu hút, giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài, các DN, tập đoàn đa quốc gia mang công nghệ, vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, chính sách thuế công bằng. Thứ ba là thúc đẩy tính sẵn có của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, cung cấp tài chính khởi nghiệp, hệ sinh thái cho DN nhỏ và vừa, đào tạo, xây dựng cộng đồng khởi nghiệp, cũng như đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Bà Barbara Navarro, Giám đốc Chính sách công, Phòng Chiến lược và Vận hành của Google cho rằng, kỹ năng của nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để nắm bắt được thành công KTS, hay kỷ nguyên công nghệ 4.0, tự động hóa. Việt Nam có hơn 95% là DN nhỏ và vừa và lên tới hàng triệu DN. Với quy mô và đặc thù như vậy, Chính phủ nên thúc đẩy DN kinh doanh trực tuyến, để dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường, đối tác, bạn hàng, khách hàng...
Để phát triển KTS, theo bà Barbara Navarro, Chính phủ cần thu hút nhân tài từ khắp nơi đến làm việc. Muốn làm được điều đó, Chính phủ cần tìm được sự cân bằng trong khuôn khổ chính sách đối với cả DN trong và ngoài nước, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa giúp bảo vệ dữ liệu, chủ thể người dùng, cộng đồng DN. Hai khu vực DN này không thể hoạt động theo cách đối đầu nhau, mà phải bổ trợ nhau, tạo nên một hệ sinh thái. Do đó, Việt Nam cần có khuôn khổ chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái kết nối cộng đồng DN, duy trì cơ chế đối thoại, lắng nghe lẫn nhau, đối xử công bằng, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Liên quan đến chính sách thuế, ông Konstantin Matthies nhấn mạnh rằng, tính nhất quán trong phương pháp tiếp cận về thuế quan trọng hơn là sắc thuế, mức thuế. Các chính sách thuế phải được minh bạch, tạo cơ hội công bằng, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước. Còn theo bà Barbara Navarro, Việt Nam cần có điểm cân bằng giữa hàng hóa điện tử với hàng hóa thông thường, tạo một sân chơi công bằng để thúc đẩy phát triển.