Cách mạng công nghiệp 4.0: Không “lên tàu” sẽ bị bỏ lại phía sau
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là xu thế tất yếu và ngày càng diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Tại diễn đàn đối thoại cấp cao về công nghệ 4.0 diễn ra ngày 13/7, nhiều chuyên gia cho rằng, tất cả các nước sẽ đi chung “một con tàu”. Đây là hiện thực, ai không “lên tàu” sẽ bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam có những bước phát triển mạnh
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đặt nền tảng cho việc ứng dụng thành công các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong 10 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng kết nối số lẫn thị trường kinh doanh.
Năm 2007, số người sử dụng internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người, đến năm 2017 đã tăng lên 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới.
Quan trọng hơn, nền kinh tế số có ba thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử thì cả doanh số và chất lượng tăng trưởng đều phát triển không ngừng. Các doanh nghiệp viễn thông, internet ở Việt Nam đã đạt doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851 nghìn việc làm.
Thương mại điện tử thì vượt bậc cả quy mô thị trường và doanh thu, đưa Việt Nam vào top 3 thị trường thương mại điện tử tăng nhanh nhất thế giới, đạt 69%. Riêng năm 2017 có 21 doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD.
Theo đánh giá về mức độ sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Với kết quả này Việt Nam mặc dù vẫn ở nhóm Sơ khởi nhưng khá gần với nhóm Tiềm năng cao.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) luôn duy trì được sự tăng trưởng và đạt vị trí 55/137 quốc gia vào năm 2017. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) liên tục tăng. Năm 2017, GII tăng 12 bậc so với năm 2016. Theo thông tin mới nhất do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 10/7 vừa qua, năm 2018, chỉ số GII của Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc so với năm 2017, đứng ở vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng và là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được đến hiện tại.
Chủ động vượt qua thách thức
Tuy vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có những đổi mới mạnh mẽ. Để chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam cần đổi mới và dựa vào nền tảng của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, để hướng đến một kịch bản phát triển kinh tế số và sản xuất thông minh, Việt Nam cần kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất, tiếp nhận công nghệ của thế giới và phát triển những sản phẩm công nghệ của riêng mình.
Thứ nhất, tiếp nhận công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Thứ hai, lựa chọn những lĩnh vực cụ thể để phát triển những sản phẩm công nghệ dựa trên thế mạnh của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; đưa ra giải pháp về quản trị quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh… Doanh nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng các giải pháp công nghệ.
Để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt, đưa vào triển khai chương trình trọng điểm quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã lựa chọn cách tiếp cận của riêng mình đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Dù từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Còn theo Chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNNIDO) Fernando Santiago nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, tất cả các nước sẽ đi chung một con tàu. Đây là hiện thực, ai không nhảy lên sẽ bị bỏ lại phía sau”.
Ông Santiaho nhấn mạnh, Việt Nam cũng cần phải xây dựng cơ chế hợp tác với các nước, không chỉ để chia sẻ kiến thức mà còn để thực hiện cam kết để các đối tác liên quan có quan hệ với nhau, chung tay nghiên cứu phương án tốt nhất để hướng tới con tàu 4.0. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần nâng cao hơn nữa cơ chế khuyến khích các khối doanh nghiệp để các chính sách nhà nước đề ra đi vào thực tiễn.