Thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong giai đoạn đầu Cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. Phạm Thanh Bình - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam có thể lên đến 30-50%/năm trong 5 năm tới, trong khi quy mô thị trường thương mại điện tử có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với nền tảng công nghệ thương mại điện tử ngày càng phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không bị lép vế nếu biết tận dụng hiệu quả lợi thế này.

Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam có thể lên đến 30-50%/năm trong 5 năm tới. Nguồn: Internet
Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam có thể lên đến 30-50%/năm trong 5 năm tới. Nguồn: Internet

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0

Trong giai đoạn đầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cụ thể:

- Nhận thức về thương mại điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Cùng với thương mại điện tử, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại...

Tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát 275 đơn vị tham gia về sự sẵn sàng của tổ chức, thế mạnh và những giải pháp cần thực hiện của Việt Nam để chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy: 35,2% số tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng kết quả cho Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phần đa là các DN thuộc khối ngân hàng và công nghệ thông tin (CNTT). 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì, trong khi đó 6,1% chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào cho những cơ hội và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4,0.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, các DN, tổ chức cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào một số ngành có lợi thế trong Cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: CNTT (89,9%), du lịch (45,7%), nông nghiệp (44,9%), tài chính - ngân hàng (47%) và logistic (28,3%). Điều này cho thấy, nhận thức về thương mại điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp ngày càng rõ ràng hơn…

- Tiềm năng thị trường: Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35%/năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Sự bùng nổ của các ứng dụng thương mại điện tử tăng khả năng mua sắm trực tuyến. Trong năm 2017, có hơn 210 website có nội dung liên quan đến thương mại điện tử được thành lập. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2017 đạt hơn 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20%...

- Nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin: Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cho thấy, hiện nay trung bình một người Việt Nam sở hữu 1,3 chiếc điện thoại, trong đó 70% là smartphone. Hạ tầng công nghệ vững vàng là nền tảng để thương mại điện tử Việt Nam tạo ra doanh số 4 tỷ USD trong năm qua.

- Hiệu quả bán hàng trực tuyến: Khảo sát về hoạt động thương mại điện tử của các DN tại Việt Nam được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 9-11/2017) tại gần hơn 4.100 DN trên cả nước cho thấy, có tới 39% DN tham gia khảo sát đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, cao nhất trong các công cụ trực tuyến; các vị trí tiếp theo lần lượt là: Bán hàng qua website của DN (35%), qua ứng dụng di động (22%), qua sàn giao dịch thương mại điện tử (18%).

- Hành vi của người tiêu dùng Việt Nam: Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, xu hướng công nghệ trong 5 năm tới sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, 55% người tiêu dùng Việt Nam đã và sẽ sử dụng thiết bị có kết nối internet để mua sắm nhanh và hiệu quả hơn.

Bảng 1: Một số xu hướng phát triển thương mại điện tử cho DNNVV

STT

Xu hướng

Chi tiết

1

Thương mại điện tử tương tác bùng nổ

Sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Zalo… kéo theo sự phát triển hình thức mại điện tử tương tác. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội đã tăng tương tác giữa người bán và người mua. Xu hướng này khuyến khích sự trao đổi, chia sẻ giữa những người dùng khi trải nghiệm giao dịch mua bán trên mạng xã hội. Dự báo, livestream vẫn là cách được sử dụng phổ biến nhất khi bán hàng trên mạng xã hội, bởi tính tương cao và ngay tức thời giữa 2 đối tượng mua và bán…

2

Thanh toán di động

Việt Nam hiện có hơn 34 triệu người sử dụng smartphone (dữ liệu từ Facebook và Tencent). Trong đó, 29% người mua hàng thực hiện giao dịch online thông qua nền tảng di động (Theo Global web Index, 2017). Vì vậy, xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động là điều tất yếu. Giải pháp thanh toán di động sẽ trở thành sân chơi mới trong năm 2018.

3

Quản lí chuỗi cung ứng và hậu cần, kho vận

Logistics và chuỗi cung ứng được xem xét là nền tảng cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử. Tốc độ phát triển của thương mại điện tử càng nhanh thì cuộc chiến logistics ngày càng khốc liệt. Vì vậy, nhiều dịch vụ logistics bên thứ ba ra đời ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần, kho vận, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN. Hiện nay, bên cạnh nhiều các tên tuổi lâu năm như Viettel Post, EMS… cũng đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều DN mới như Giaohangnhanh, Giaohangtietkiem, DHL, Ninja Van… làm cho thị trường này thêm sôi nổi hơn.

Đáng chú ý, trong 6 tháng gần đây, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các thiết bị di động được kết nối để đơn giản hóa trải nghiệm với 43% mua sắm, 33% thanh toán hóa đơn trực tuyến, 35% đặt vé máy bay, xem phim, đặt phòng khách sạn, 31% chuyển tiền. Về xu hướng, có tới 68% người tiêu dùng đã và mong muốn sử dụng mua sắm ảo.

Những khó khăn và thách thức

Mặc dù hiện nay, DNNVV chiếm số đông trong cộng đồng DN, song vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, công nghệ, nguồn nhân lực khi phải đổi mới công nghệ để tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất kinh doanh.

Do vậy, các DNNVV sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không kịp chuyển đổi. Trái với làn sóng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hiện không ít DN vẫn chưa có một cái nhìn đầy đủ về cơ hội này. Trên thực tế, chỉ 20% DNNVV xây dựng website riêng để quảng bá kinh doanh. Trong khi đó, 70% người tiêu dùng lên mạng tìm kiếm thông tin, địa chỉ mua hàng trước khi đi xem trực tiếp tại cửa hàng.

Nếu DN không có website và thương hiệu riêng, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp (Bởi theo Báo cáo Global Trust in Advertising 2015 của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhiều nhất vào quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, theo sau đó là mạng xã hội, video trực tuyến và banner trực tuyến).

Các DNNVV cũng đối mặt với không ít rào cản ngay từ bước đầu tham gia cuộc chơi thương mại điện tử khi việc xây dựng cũng như vận hành hệ thống đòi hỏi rất nhiều thời gian, tài chính cũng như nguồn nhân lực, trình độ vận hành và quản lý.

Thực tế cho thấy, để kinh doanh trên Internet, DN cần xây dựng một hệ thống để hiện diện trên Internet dưới dạng website và một hệ thống phía sau quản lý các khâu như kho bãi, vận chuyển. Việc xây dựng hệ thống như vậy thường tốn nhiều thời gian và chi phí… Ngoài ra, còn phải kể đến những rào cản về khâu hậu cần, kỹ thuật.

Không chỉ cần đầu tư công nghệ và giải pháp công nghệ, thương mại điện tử cần giải quyết bài toán gặp gỡ giữa người bán và người mua. Tuy vậy, ngay cả khi thành công trong việc chinh phục người mua, DN vẫn gặp khó khăn với các vấn đề như giao nhận, thanh toán hay một số bài toán khác như bảo hành, xác nhận thông tin khách hàng... 

Đề xuất một số giải pháp

Nhằm giúp DNNVV vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, thiết lập kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Theo đó, DNNVV cần xác định đối tượng khách hàng tiềm năng, từ đó, đưa ra các kế hoạch tài chính và quảng cáo phù hợp cho dịch vụ thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, DNNVV cũng cần đăng ký/sử dụng tên miền trang web, xây dựng trang web đáp ứng được tiêu chuẩn SEO (tối ưu hóa cho tìm kiếm) để đáp ứng yêu cầu tối ưu cho khách hàng.

Hai là, xây dựng hạ tầng công nghệ, nhân lực và quy trình. Đây là một bước chuẩn bị rất quan trọng, biết lựa chọn công nghệ phù hợp sẽ giúp DNNVV nhanh chóng triển khai được thương mại điện tử.

Tuy nhiên, bước này đòi hỏi sự am hiểu và có kiến thức công nghệ sâu, vì vậy đa phần các DN sẽ nhờ sự tư vấn từ các công ty chuyên trong lĩnh vực thương mại điện tử trợ giúp lựa chọn công nghệ, xây dựng quy trình thực hiện.

Ngoài ra, nhân sự tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải có có kiến thức Internet, kiến thức kinh doanh online, marketing online…

Ba là, xây dựng trang web DN/sản phẩm. Theo đó, trang web về DN và sản phẩm không chỉ cần có nội dung thu hút người đọc mà còn cần tối ưu một số điều kiện kỹ thuật như: Có hỗ trợ giao diện diện thoại/máy tính bảng; Tốc độ truy cập nhanh, có tối ưu cho việc tìm kiếm thông tin sản phẩm và thông tin DN, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tạo niềm tin cho khách hàng...

Đặc biệt, cần có phần hỗ trợ trực tuyến qua “Chat” – Hỏi đáp trực tuyến - để có thể tư vấn cho khách hàng ngay khi cần thiết, các mô hình trả lời tự động đang được nghiên cứu và triển khai…

Bốn là, triển khai kênh online marketing kết hợp marketing truyền thống. Theo đó, cần xây dựng nội dung truyền thông, nội dung để tương tác và đưa lên mạng xã hội, diễn đàn... Xây dựng các website vệ tinh, các kênh bán hàng vệ tinh.

Đặc biệt là phải xây dựng hệ thống từ khóa liên quan đến sản phẩm đang kinh doanh để cỗ máy tìm kiếm Google thuận tiện định vị, giúp website hiển thị ở những vị trí đầu khi khách hàng tìm kiếm. Xây dựng những báo cáo, phân tích khi khách hàng ghé thăm các mục trên trang web, sử dụng công cụ phân tích báo cáo trực tuyến của Google Analytics để hỗ trợ...

 Năm là, lựa chọn và hoàn thiện việc thanh toán, giao nhận sản phẩm trực tuyến. Lựa chọn các hình thức thanh toán thuận lợi cho khách hàng như thanh toán chuyển khoản, thanh toán qua internet banking, ví điện tử…

Các DNNVV nên cân nhắc việc lựa chọn đối tác giao hàng chuyên nghiệp để thực hiện giao nhận sản phẩm, có chính sách đổi lại sản phẩm nếu giao hàng không đúng chất lượng cam kết.         

Tài liệu tham khảo:

1. VECITA, Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam các năm 2015, 2016, 2017;

2. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (2018), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018;

3. Công Lý (2017), Thương mại điện tử Việt Nam: Tiềm năng và thách thức,
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp;

4. ThS. Phạm Thanh Bình (2017), Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong quá trình hội nhập AEC, Tạp chí Tài chính tháng 6/2017;

5. Một số website: moit.gov.vn, vecom.vn, via.org.vn…