Doanh nghiệp ứng phó kịp thời với những bất ổn do đại dịch gây ra
Nhiều doanh nghiệp tư nhân tin rằng họ trở nên kiên cường hơn trong môi trường sau đại dịch, bất chấp những thách thức to lớn trên thị trường trong năm qua. Hơn 2/3 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát của Deloitte Private tin tưởng vào triển vọng của mình trong 12 tháng tới...
Theo Báo cáo “Khủng hoảng là chất xúc tác: Tăng tốc chuyển đổi” - báo cáo thứ ba của Deloitte trong năm nay về doanh nghiệp tư nhân trên toàn cầu, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại dịch đã đẩy nhanh một số hành động nhất định. Theo đó, 69% các doanh nghiệp cho biết đại dịch đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, không chỉ châm ngòi mà còn làm bùng nổ tốc độ áp dụng công nghệ.
Cũng theo báo cáo, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi đều tập trung vào 7 yếu tố chính: chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp tự đánh giá khả năng triển khai các yếu tố thể hiện sự kiên cường này để xây dựng “thang điểm khả năng phục hồi”.
Dựa trên phần trả lời cho những câu hỏi được đưa ra, các doanh nghiệp tham gia khảo sát được phân thành 3 nhóm, gồm: nhóm có khả năng phục hồi cao, nhóm có khả năng phục hồi trung bình và nhóm doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp. Theo đó, các tổ chức có khả năng phục hồi cao thường lạc quan hơn về tiềm năng tăng trưởng dài hạn với tỷ lệ 52% đặc biệt tin tưởng vào triển vọng doanh nghiệp trong 3 năm tới (chỉ 15% doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp tin vào điều này).
So sánh giữa lãnh đạo của các doanh nghiệp tư nhân khác trên toàn cầu, lãnh đạo tại Hoa Kỳ là những người lạc quan nhất về doanh thu, lợi nhuận và năng suất trong năm tới. Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tăng trưởng và công nghệ, bao gồm chuyển đổi số - là những yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp kiên cường.
Ông Jason Downing - Phó Chủ tịch Deloitte, kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Deloitte Private Hoa Kỳ - cho biết: Các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục duy trì sự cam kết với mục tiêu đề ra trong năm qua, đặc biệt các nhà lãnh đạo đã thúc đẩy nhanh chóng những hoạt động để ứng phó kịp thời với những bất ổn do đại dịch gây ra. Nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao. Các tổ chức có khả năng phục hồi cao có xu hướng đầu tư nhiều hơn để tăng trưởng và đánh giá mục đích của họ trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi.
Báo cáo của Deloitte cũng đã nhấn mạnh một số điểm chính về doanh nghiệp tư nhân như: các doanh nghiệp tư nhân dường như đã đặt nền tảng cho sự thay đổi về lực lượng lao động bằng cách sắp xếp lực lượng nhân sự và thiết lập lại tổ chức theo hướng linh hoạt hơn, hoàn thành các công việc tốt hơn với các đội nhóm nhỏ và độc lập.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng cao về lợi nhuận mà các khoản đầu tư cho công nghệ sẽ mang lại, đồng thời có kế hoạch tiếp tục tăng quy mô các khoản đầu tư vào công nghệ. Cụ thể, trong 12 tháng tới, bảo mật thông tin được coi là lĩnh vực đầu tư công nghệ phổ biến nhất với 39% số người tham gia khảo sát, tiếp theo là điện toán đám mây (38%) và phân tích dữ liệu (37%).
Ngoài ra, gần 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tầm quan trọng của mục đích hoạt động ngày càng tăng do khủng hoảng đại dịch COVID-19. Xét trên phương diện này, những doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 84% khi các nhà lãnh đạo cho biết họ đang tập trung nguồn lực vào mục đích hoạt động.