Tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách
(Taichinh) - Trong năm 2015, Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua, cùng với đó là các Nghị định hướng dẫn được ban hành, nhằm tăng cường công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và triển khai dự thảo thông tư mới để thay thế Thông tư 86/2011/TT- BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.
Phân bổ vốn đầu tư khớp đúng chỉ tiêu được giao
Hàng năm, việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư rất quan trọng và được quy định cụ thể. Theo đó, đối với vốn đầu tư thuộc các Bộ, ngành trung ương quản lý sẽ phân bổ kế hoạch vốn cho từng dự án đảm bảo các điều kiện: Dự án có trong danh mục và trong phạm vi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được giao; Các dự án có đủ thủ tục đầu tư theo quy định; Đảm bảo khớp đúng với chỉ tiêu được giao về tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn trong nước, vốn ngoài nước, cơ cấu ngành kinh tế; Đảm bảo đúng danh mục và mức vốn của từng dự án được giao.
Với vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách địa phương, UBND các cấp sẽ là cơ quan phân bổ kế hoạch vốn cho từng dự án thuộc phạm vi quản lý. Các dự án được nhận nguồn vốn cũng phải đảm bảo đủ các điều kiện như việc phân bổ vốn của các Bộ, ngành trung ương.
Về việc thẩm tra phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, theo quy định tại Nghị định dự thảo về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, khi giao kế hoạch danh mục và chi tiết vốn cho các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thẩm tra phân bổ. Tuy nhiên, kế hoạch giao hàng năm của Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT cho các Bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết. Cụ thể, vốn Chương trình mục tiêu chưa phân bổ chi tiết cho các dự án; các dự án ODA mới chỉ giao danh mục và tổng số vốn, chưa phân bổ chi tiết cho các tỉnh (nơi thanh toán); chưa phân bổ chi tiết theo Mục lục NSNN (mã ngành, mã loại, khoản), mã dự án đầu tư làm căn cứ nhập TABMIS (hệ thống quản lý ngân sách và Kho bạc).
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn Luật NSNN có nêu rõ: Dự toán giao cho đơn vị sử dụng ngân sách được phân bổ chi tiết theo các nhóm mục chi chủ yếu của Mục lục NSNN và cơ quan tài chính có trách nhiệm thẩm tra phân bổ. Do đó, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên điều khoản thẩm tra phân bổ vốn đầu tư như tại Thông tư 86. Ngoài ra, điều chỉnh vốn đầu tư hàng năm và trung hạn theo nguyên tắc: kế hoạch điều chỉnh không được vượt quá tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Bắt buộc có bảo lãnh tạm ứng
Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi Thông tư 86 theo hướng thắt chặt việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng theo hợp đồng. Theo đó việc tạm ứng vốn của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án(BQLDA)) cho nhà thầu về cơ bản, mức tạm ứng vẫn giữ nguyên mức tối đa, tối thiểu nhưng quy định thắt chặt về điều kiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng.
Cụ thể: theo quy định tại Thông tư 86, khi tạm ứng không yêu cầu bắt buộc phải có bảo lãnh tạm ứng và việc thu hồi vốn tạm ứng chỉ thu hồi hết khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Việc quy định như vậy dẫn đến các nhà thầu còn chiếm dụng vốn của công trình, sử dụng vốn ngân sách nhà nước không hiệu quả. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, số dư vốn tạm ứng chưa thu hồi hiện nay của một số dự án còn rất lớn.
Dự thảo Thông tư quy định việc bảo lãnh tạm ứng là bắt buộc. Đặc biệt, quy định bắt buộc phải có bảo lãnh đối với hợp đồng có giá trị tạm ứng trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mực tiêu; các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng và giải phóng mặt bằng không cần có yêu cầu bảo lãnh.
Các hợp đồng xây dựng có giá trị tạm ứng từ 1 tỷ đồng trở xuống không cần yêu cầu bảo lãnh. Trường hợp này, tùy theo điều kiện cụ thể để đảm bảo sử dụng vốn tạm ứng an toàn và có hiệu quả, chủ đầu tư (hoặc BQLDA) được quyền yêu cầu nhà thầu bảo lãnh tạm ứng vốn và chịu trách nhiệm về yêu cầu bảo lãnh tạm ứng của mình.
Về việc sử dụng và thu hồi vốn tạm ứng, dự thảo quy định: chủ đầu tư trong quá trình thực hiện phải có đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng; đồng thời quy định chặt chẽ hơn về việc thu hồi tạm ứng: Kho bạc nhà nước phải thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Hằng tháng, Kho bạc nhà nước chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn của nhà thầu. Trong trường hợp nhà thầu không thực hiện các nội dung theo quy định của hợp đồng mà sử dụng nguồn vốn tạm ứng không đúng mục đích, Kho bạc nhà nước sẽ yêu cầu chủ đầu tư thu hồi số vốn đã tạm ứng từ nguồn bảo lãnh tạm ứng. Dự thảo cũng quy định, khi tạm ứng vốn phải có mặt bằng xây dựng được bàn giao (một phần hoặc toàn bộ), tránh trường hợp khi tạm ứng xây lắp nhưng chưa có mặt bằng để thi công…/.