Tăng cường đầu tư tín dụng cho phát triển sản xuất - kinh doanh
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN), ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường đầu tư vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh (SX-KD) và tham gia giải quyết việc làm cho người lao động.
Lãi suất cho vay giảm
Thực hiện chỉ đạo này, các TCTD đã triển khai nhiều chương trình tín dụng và đây cũng là năm các TCTD 4 lần hạ lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn bình quân từ 5,5 - 5,7% và cho vay trung hạn từ 5 - 10%. Cùng với đó, các TCTD hiện nay đã giảm lãi suất huy động xuống còn khoảng 6% so với cùng kỳ (năm 2022 là hơn 7%) và góp phần làm “hạ nhiệt” lãi suất cho vay.
Đáng ghi nhận là lãi suất huy động tiền gửi tuy có giảm, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn từ các TCTD trên địa bàn. Trong 9 tháng năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 29.700 tỷ đồng, tăng 12,89 so với cùng kỳ. Từ nguồn vốn này, các TCTD đã đầu tư cho phát triển SX-KD với tổng dư nợ cho vay đạt 40.100 tỷ đồng, tăng 6,14% so với cùng kỳ.
Trong đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh về tăng trưởng tín dụng. Chỉ tính riêng Agribank Chi nhánh huyện Hòa Bình, đến nay đã đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn hơn 1.000 tỷ đồng và tăng hơn 9% so với cùng kỳ.
Cùng với đẩy mạnh đầu tư vốn cho phát triển SX-KD, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn tích cực triển khai và phát triển ngân hàng số, ngân hàng điện tử. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển kinh tế số.
Đặc biệt, các TCTD đã thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản SX-KD, lĩnh vực ưu tiên thế mạnh của tỉnh, nhất là tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận vốn vay, mở rộng phát triển sản xuất…
Cần tiếp tục khai thông
Có thể nói, việc tăng cường đầu tư vốn cho phát triển SX-KD tuy được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng theo phản ánh của DN, việc tiếp cận vốn ở một số ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu vướng về cơ chế. Trong khi đó, 3 tháng cuối năm là thời gian DN rất cần vốn đầu tư cho SX-KD để chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường.
Để góp phần khai thông đồng vốn và tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo và khuyến khích các TCTD trong 3 tháng cuối năm 2023 cần tập trung mở rộng tín dụng. Theo đó, các TCTD cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay; đồng thời, tái cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn nếu DN còn gặp khó khăn.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai các gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước như: gói 40.000 tỷ đồng của ngân sách để hỗ trợ 2% lãi suất, gói 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội, gói 15.000 tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản và xuất khẩu gỗ…
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, hạ phí để tạo thuận lợi cho DN. Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các TCTD chủ động tổ chức hội nghị đối thoại với DN và các thành phần kinh tế để tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở. Cũng như, phối hợp với chính quyền địa phương, ngành nghề, hiệp hội về cơ chế chính sách…
Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường tín dụng, các chính sách xã hội và chính sách tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng. Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng và góp phần tăng trưởng tín dụng.