Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ đất thuộc sở hữu Nhà nước
Hiện nay, đất đai do các cơ quan Nhà nước sử dụng có diện tích rộng, phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa nhưng việc khai thác những lợi thế này để tạo ra nguồn lực tài chính lại không mấy hiệu quả, thậm chí lãng phí. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp để tối ưu hoá những tài sản này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề lớn đặt ra.
Nhiều lãng phí đối với nguồn tài chính có thể thu được từ đất đai
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tài sản nhà nước không ngừng được đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến nay, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và cơ sở hoạt động có diện tích khoảng 1,5 tỷ m2 với tổng giá trị khoảng 594 nghìn tỷ đồng, hơn 100 nghìn m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỷ đồng; giá trị nhà, đất chiếm 97,2% giá trị tài sản nhà nước, trong đó, giá trị đất chiếm 76,2% tổng giá trị tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước đang giữ nhiệm vụ kinh doanh trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của đất nước cũng đang sử dụng quỹ nhà, đất có diện tích lớn, ở những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Song, thực tế, chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất, kinh doanh, đã gây không ít lãng phí. Đó là chưa kể đến việc không ít doanh nghiệp đã thực hiện chuyển mục đích, cho thuê lại kiếm lời; cá biệt có một số nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi đó có rất nhiều tổ chức, cá nhân của các thành phần kinh tế khác không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh…
Thực tế, trong thời gian qua, cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng và việc khai thác, quản lý có hiệu quả nguồn lực tài sản là nhà, đất nói chung. Mặc dù, lợi ích trực tiếp cho đơn vị quản lý, sử dụng và lợi ích cho toàn xã hội đã được thể hiện rõ thông qua cơ chế và thực tế triển khai thực hiện, nhưng các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng, cũng như một số bộ, ngành có tâm lý cố giữ đất.
Đáng chú ý, cơ chế quản lý đất đai tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa được khai thác hết nguồn lực. Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất lớn (1,5 tỷ m2). Trong đó, theo thống kê của Bộ Tài chính, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2 bằng khoảng 80% diện tích. Nhưng hiện tại, các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp về đất đai. Trong khi đó, cơ chế quản lý đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được Nhà nước giao tài sản như giao vốn cho doanh nghiệp và được sử dụng nhà, đất vào mục đích cho thuê, sản xuất kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết… Nhưng cơ chế này chưa đủ mạnh, có nhiều quy định lưỡng tính trong thời kỳ “quá độ” chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nên khó thực hiện, như quy định: một tài sản nhà, đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích vừa cung cấp dịch vụ công cho nhà nước, vừa cho thuê, vừa kinh doanh dịch vụ. Đối với phần cung cấp dịch vụ công cho nhà nước thì không trích khấu hao, không phải trả tiền thuê đất; nhưng đối với phần kinh doanh, dịch vụ, cho thuê… thì phải tính khấu hao và trả tiền thuê rất. Rất khó xác định, hạch toán và thực hiện trong trường hợp này.
Chính vì vậy, cơ chế thu tiền thuê đất đối với diện tích đất đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết… là chưa thực hiện được. Cho nên, thất thoát ngân sách nhà nước; đơn vị sự nghiệp công được bao cấp đất đai sử dụng lãng phí đã giảm hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất...
Đẩy mạnh các giải pháp khắc phục
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu quản lý tốt và có phương án thu ngân sách từ đất đai thì có thể số thu ngân sách mỗi năm từ 4 đến 5 tỷ USD. Để khắc phục được tình trạng lãng phí trên, nhằm khai thác có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực tài chính từ quỹ nhà, đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm đồng bộ của các cấp, các ngành.
Tại Hội thảo "Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020", Bộ Tài chính cũng đã đề xuất ra một số giải pháp chủ yếu.
Theo đó, cần phân định rõ trên cơ sở tách biệt quyền và trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài sản giữa cơ quan nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; đồng thời, cần có kế hoạch để kiểm tra việc thực hiện phương án đã phê duyệt của các đơn vị. Trường hợp các đơn vị không thực hiện phương án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt phải có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh và dứt điểm. Qua kết quả của việc hậu kiểm để đánh giá được hiệu quả của cơ chế, chính sách về sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Trên cơ sở kết quả sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước sẽ tạo nên quỹ nhà, đất dôi dư để bố trí, sử dụng theo quy hoạch của địa phương.
Một giải pháp không kém phần quan trọng, đó là thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, bố trí lại quỹ nhà, đất trong thực thi tái cấu trúc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Theo đó, cần nắm chắc và đầy đủ quỹ nhà, đất hiện do các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các đơn vị thành viên) đang quản lý, sử dụng, từ đó để làm cơ sở cho việc bố trí lại quỹ đất phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động theo hướng tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu thương mại... Riêng đối với các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá cũng cần được rà soát, nắm lại thực trạng việc quản lý, sử dụng nhà, đất cũng như nghĩa vụ tài chính về đất đai đã thực hiện với ngân sách nhà nước, từ đó có giải pháp xử lý đối với những trường hợp bỏ trống, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.
Rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính khác về đất đai đối với các lĩnh vực như: Điện lực, đường sắt, hàng không... Thực tế hiện nay, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân đang được Nhà nước tạo điều kiện ưu đãi thông qua việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như nghĩa vụ về thuế, nhằm giảm chi phí, giá thành. Tuy nhiên, ưu đãi này sẽ có tác dụng phụ là tạo nên sự thiếu chủ động, chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và chưa phản ánh đúng giá trị thực của sản phẩm, hàng hoá được cung cấp. Do đó, trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu dần từng bước để xóa bỏ ưu đãi, tạo ra sự bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa giá trị của hàng hoá, dịch vụ cung cấp cho xã hội về đúng bản chất.