Tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Phát biểu kết luận Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó, nhấn mạnh giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong xây dựng pháp luật
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, phiên chất vấn đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết thúc tốt đẹp.
Các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị kỹ, các câu hỏi có chất lượng, sát với thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, bảo đảm đúng thời gian quy định. Các Bộ trưởng và Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực trách nhiệm, ngành Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện và quan trọng. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và có đổi mới cách thức tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, bám sát Kết luận số 19-KL/TW, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác thẩm định các dự án luật, nghị quyết của Bộ Tư pháp có nền nếp, trách nhiệm và chất lượng. Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các văn bản có sai sót, vi phạm quy định về thể thức, nội dung, thẩm quyền; số lượng văn bản được xử lý cao so với giai đoạn trước, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Tư pháp vẫn còn những hạn chế như việc bổ sung các dự án vào Chương trình xây dựng pháp luật không theo Chương trình tổng thể có chiều hướng tăng hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số dự án chưa được nghiên cứu kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách. Chất lượng một số dự án luật chưa cao, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo hoặc quy định không rõ ràng, khó tổ chức thi hành...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra.
Trong đó, về công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật được đề ra tại Kết luận số 19-KL/TW và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản quy định chi tiết việc ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp với thực tiễn. Rà soát, bảo đảm ban hành đầy đủ, kịp thời, có chất lượng các văn bản hướng dẫn các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về nội dung này vào cuối tháng 8/2023.
Kiên quyết chấm dứt tình trạng sử dụng hình thức văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật (như một số loại nghị quyết, chỉ thị, công văn, công điện, văn bản chỉ đạo, điều hành…) để đề ra các quy định pháp luật, nhất là các nội dung có tính quy phạm pháp luật khác với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành…
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận công chức pháp chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật...
Nông ngiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, ngành Nông nghiệp có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt, thuỷ sản đều tăng so với cùng kỳ năm trước đáp ứng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành liên quan và địa phương ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền để hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, quy định của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU); tạo cơ sở pháp lý để phát triển nghề cá bền vững.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối, điều hòa cung – cầu còn bất cập; việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Trong đó, tập trung vào một số vấn đề về: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản; khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản; chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực.
Tại Phiên chất vấn, đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 54 đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm.