Việc chậm, nợ văn bản pháp luật chưa được giải quyết dứt điểm
Giải trình tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực tế, việc nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm.
Bảo đảm kỷ luật trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho biết, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục có thể gây ra khoảng trống pháp luật. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp khắc phục.
Cũng liên quan đến nội dung chất vấn này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) nêu rõ, tình trạng chậm ban hành văn bản mới chưa được khắc phục căn cơ, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền… Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ nhằm khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Giải trình nội dung các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc nợ chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định. Tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, số liệu chưa tương đồng. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dù đã rất cố gắng, nhưng có những nghị định bị "nợ lâu", chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng… Chỉ rõ nguyên nhân, Bộ trưởng nhận định do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế.
Đề cập đến những giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong xây dựng pháp luật cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.
Lực lượng pháp chế còn mỏng
Tham gia chất vấn tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) nêu, thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa nghiêm. Cụ thể, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án Luật phải trình kèm theo các dự thảo hướng dẫn.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, trong quá trình soạn thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có tranh luận gay gắt về việc quy định trình dự án luật phải kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, thực tế thực hiện rất khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất xin không thực hiện quy định này. Đây là quy định tốt nhưng không khả thi, bởi nếu những nội dung dự thảo được trong dự thảo nghị định thì đã quy định luôn trong dự thảo luật. Mặt khác, nếu làm nghị định như vậy là bỏ qua các bước khác trong quy trình ban hành văn bản. Trong khi đó, thực tế có một số dự thảo luật trình kèm dự thảo nghị định nhưng so với bản ban hành thì nghị định thay đổi gần như toàn bộ.
Ngoài ra, trả lời chất vấn các nội dung liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện cả nước có khoảng 10.000 người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm. Có 89 tổ chức pháp chế ở trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế.
Còn về lực lượng pháp chế, nếu so với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc rất mỏng và khó đáp ứng được yêu cầu. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP sửa đổi, trong đóquan trọng nhất là xây dựng chức danh “pháp chế viên” từ đó có cơ sở xây dựng chính sách cho đội ngũ này.