Tăng cường nhận diện thương hiệu, đưa sản phẩm nông sản đặc thù vươn tầm thế giới

Linh Nguyễn

Nhờ việc phát triển thương hiệu của sản phẩm gắn liền với chỉ dẫn địa lý mà doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước ngày càng phát triển và sản phẩm ngày càng tiến xa hơn ra thế giới.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển cây điều phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.
Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển cây điều phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.

Đại diện doanh nghiệp đến từ tỉnh Bình Phước, ông Vũ Mạnh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng cho biết, khi khởi nghiệp doanh nghiệp này có ước mơ giới thiệu hạt điều tỉnh Bình Phước, Việt Nam đến với thị trường quốc tế. Do đó, ngày từ mới thành lập đã xác định, các sản phẩm hạt điều của Công ty đều sử dụng nguyên liệu từ hạt điều Bình Phước, được chọn lọc và chế biến trên dây chuyền sản xuất hiện đại.

Hiện nay, 9 sản phẩm hạt điều của Công ty Hạt Điều Vàng đều được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bao bì sản phẩm được nhập 100% của Nhật Bản. Các sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới: Nhật Bản, Australia, Na Uy.

“Với hệ thống máy móc và công nghệ hiện đại, tận dụng những lợi thế về phương pháp chế biến mới như: rang hạt điều dưới áp suất cao, công nghệ rang không dầu tiên tiến, Công ty đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đang dạng như điều rang muối, rang cay, rang wasabi và rang chocolate… Các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận BRCs loại A; chứng nhận FDA Hoa Kỳ, chứng nhận HALAL, chứng nhận HACCP và chứng nhận ISO 22000”, ông Vũ Mạnh Tùng cho hay.

Để có được kết quả như doanh nghiệp trên, trong những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển cây điều phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, thời gian cao điểm, toàn Tỉnh có hơn 200.000 ha điều, hiện còn 141.595 ha, sản lượng hạt điều thô hơn 200.000 tấn/năm. Cây điều đang là cây trồng chủ lực tại các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp... Điều Bình Phước có nhiều giống khác nhau nhưng chất lượng hạt điều tại đây được đánh giá khá cao.

Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển ngành Điều đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đưa ra mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, xen canh; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến hạt điều.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, chủ động kiểm soát chất lượng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tỉnh Bình Phước cũng đặt mục tiêu phát triển ngành Điều bền vững trên cơ sở phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ điều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước...

Nhờ đó, các doanh nghiệp chế biến điều ở Bình Phước song song với việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu điều chất lượng cao còn chú trọng đến việc phát triển và nâng cấp hệ thống công nghệ trong chế biến điều nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu của hạt điều tại thị trường trong nước.

Kết quả của những nỗ lực này, cho đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 280 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều. Tỉnh cũng đã thành lập hơn 40 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất điều với hơn 500 hội viên.

Để ngành điều đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm, Bình Phước đang xây dựng thương hiệu riêng, trong đó tập trung nâng cao giá trị gia tăng của các chuỗi sản phẩm thông qua chế biến sâu, sản xuất hàng hóa và xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp và người trồng điều thắt chặt quan hệ bền vững hơn.

Có thể thấy, với những sản phẩm đặc thù, để phát triển thương hiệu của sản phẩm trong nước và đến gần hơn nữa với người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải gắn sản phẩm của mình với chỉ dẫn địa lý như trường hợp doanh nghiệp của tỉnh Bình Phước.

Bên cạnh đó, khi chất lượng đã tốt thì cần chú trọng hơn đến tuyên truyền, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu để cho người tiêu dùng trong nước và ngoài nước dễ dàng nhận biết sản phẩm cụ thể đó.