Tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
Ngày 28/10, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Phổ biến cho doanh nghiệp và cán bộ các Cục Hải quan địa phương những quy định mới về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan.
Tại Hội thảo, đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã giúp Tổng cục Hải quan cải tiến hệ thống quản lý rủi ro và bảo đảm các bên liên quan sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các quy định mới về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan.
Mục đích của chương trình là giúp Tổng cục Hải quan cải tiến hệ thống quản lý rủi ro hiện nay và bảo đảm các bên liên quan sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các quy định mới về quản lý rủi ro. Việc này sẽ giúp cắt giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm bớt thời gian thông quan và tạo thuận lợi thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời bảo đảm năng lực quản lý và thực thi của cơ quan hải quan.
Theo Cục Quản lý rủi ro, ngoài yếu tố tuân thủ pháp luật về hải quan, một trong các vấn đề mà doanh nghiệp thường bỏ qua là không phối hợp, hợp tác với cơ quan hải quan để cung cấp đầy đủ thông tin hồ sơ doanh nghiệp, chính vì thế gây cản trở cho quá trình thu thập thông tin đánh giá của cơ quan Hải quan.
Do đó, doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ hơn về việc cung cấp thông tin hồ sơ cho cơ quan hải quan, nhằm giúp cơ quan hải quan đánh giá đúng, chính xác về mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp, từ đó áp dụng đúng biện pháp kiểm tra hoặc áp dụng biện pháp ưu đãi, tạo thuận lợi trong kiểm tra hải quan.
Trong nhiều trường hợp, do doanh nghiệp không cung cấp đủ thông tin hồ sơ dẫn đến thông tin mà cơ quan Hải quan thu thập được về doanh nghiệp không đảm bảo tính cập nhật, chính xác, làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng rủi ro. Do vậy, doanh nghiệp nên chủ động liên hệ với cơ quan Hải quan để cung cấp, cập nhật hồ sơ doanh nghiệp kịp thời.
Tháng 11/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan, Thông tư áp dụng cho cả cơ quan hải quan và khu vực tư nhân; ngày 26/8/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 2218/QĐ-TCHQ ban hành Hướng dẫn thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp bị đánh giá là doanh nghiệp không tuân thủ đều do doanh nghiệp có thông tin vi phạm pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật, dù là chủ quan hay khách quan, đều được cơ quan hải quan cập nhật đưa vào hệ thống xem xét và đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần quan tâm và thực hiện kiểm soát nội bộ đầy đủ, nhằm hạn chế và chấm dứt các hành vi có thể dẫn đến vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm…
Thời gian qua, để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật, cơ quan hải quan thường xuyên hỗ trợ thông qua việc thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với doanh nghiệp về tình trạng tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó xác định những vấn đề mà doanh nghiệp cần điều chỉnh để duy trì trạng thái tuân thủ hoặc cải tiến để chuyển thành trạng thái tuân thủ, nhằm đạt được những ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuân thủ.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan thường xuyên tổ chức các chương trình hướng dẫn, tập huấn thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực Hải quan, nhằm giúp doanh nghiệp nắm vững các quy định, quy trình thủ tục, giảm rủi ro vi phạm pháp luật về hải quan. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, đo lường mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để cải thiện hiệu quả kiểm soát nội bộ doanh nghiệp.
Tại hội nghị, trên 200 doanh nghiệp phía Nam đã được Cục Quản lý rủi ro giới thiệu chi tiết dự thảo chương trình và các tiêu chí đánh giá để được tham gia. Theo đó, chương trình nhằm nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin và công cụ giúp doanh nghiệp tự đánh giá và nâng cao mức độ tuân thủ; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ trong thực hiện thủ tục hải quan trên cơ sở phù hợp với pháp luật Hải quan. Đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Mở rộng và đưa hoạt động hỗ trợ trở thành công việc thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp. Chương trình dự kiến chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ ngày chương trình được Lãnh đạo Tổng cục Hải quan ký ban hành đến ngày 31/12/2020, chương trình sẽ được triển khai thí điểm đối với 2 nhóm doanh nghiệp: Nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa đáp ứng đồng thời: có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt từ 4 triệu USD và có số lượng 100 tờ khai xuất nhập khẩu trở lên trong năm 2019. Nhóm doanh nghiệp có loại hình xuất nhập khẩu là gia công, sản xuất xuất khẩu: Loại hình NK: E11, E15, E21, E31; Loại hình XK: B11, E42, E52, E62 bao gồm 2 nhóm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Giai đoạn 2, từ năm 2021 và những năm tiếp theo, chương trình sẽ được mở rộng áp dụng đối với tất cả doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề thực thi quản lý rủi ro trong quản lý hải quan về các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan… Theo đó, những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp nêu ra tại hội thảo đã được lãnh đạo Tổng cục Hải quan trả lời, giải thích một cách rõ ràng và cụ thể. Với các kiến nghị của doanh nghiệp cơ quan hải quan sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan.
Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã giúp Tổng cục Hải quan cải tiến hệ thống quản lý rủi ro và bảo đảm các bên liên quan sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các quy định mới về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan.