Kế hoạch kiểm tra chấp hành pháp luật về hải quan năm 2021
Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 12997/BTC-TTr về xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021, trong đó hướng dẫn Tổng cục Hải quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hải quan, về thuế đối với doanh nghiệp trong năm 2021.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải quan thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp năm 2021, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Thanh tra, kiểm tra các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn và có khả năng gian lận về giá, thuế suất; mặt hàng có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; mặt hàng nhập khẩu bia, rượu, gạch, đá dùng trong xây dựng; mặt hàng xuất khẩu (thép phế liệu, cát trắng dùng làm khuôn đúc, fluorspar cấp axit, phốt pho vàng); mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu rủi ro về trị giá, về phân loại và áp dụng mức thuế; mặt hàng có kim ngạch đột biến của doanh nghiệp xếp hạng 6 (doanh nghiệp có độ rủi ro rất cao) và hạng 7 (doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh dưới 365 ngày)...
Thanh tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Doanh nghiệp thuộc các trường hợp hồ sơ thuế, hải quan quá thời hạn kiểm tra sau thông quan và các trường hợp đã kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan những phát hiện có dấu hiệu vi phạm; doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất xuất khẩu và gia công cho thương nhân nước ngoài; doanh nghiệp có rủi ro cao trong lĩnh vực miễn thuế; doanh nghiệp hoàn thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất lắp ráp ô tô, linh kiện nhập khẩu để sản xuất linh kiện ô tô theo quy định tại Khoản 2 Điều 1, Khoản 3 Điều 2, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường công tác thu thập thông tin để tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng.
Đối với công tác kiểm tra nội bộ, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Hải quan tập trung kiểm tra trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao (lĩnh vực thuế xuất nhập khẩu, lĩnh vực kiểm định, lĩnh vực quản lý rủi ro, lĩnh vực kiểm tra sau thông quan; điều tra chống buôn lậu; giám sát quản lý; việc cho mượn khuôn đúc như kiến nghị qua thanh tra Cục Hải quan TP. Hà Nội tại Kết luận số 1247/KL-TTr ngày 28/12/2018 của Thanh tra Bộ Tài chính...); công tác tổ chức cán bộ; việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức...
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thự hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính phải bám sát Nghị quyết số 84/NQ CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Chỉ thị số 20/CT TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ quản lý của ngành Tài chính, của địa phương, đơn vị đồng thời phải gắn với việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, quản lý, sử dụng tài sản công.