Kho bạc Nhà nước Bình Dương
Tăng cường thanh tra, kiểm tra gắn với quản lý rủi ro
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Dương luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, gắn với quản lý rủi ro, xác định đây là công cụ quan trọng trong quản lý hành chính.
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử... Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Với định hướng trên, trong bối cảnh chuyển đổi số với nhiều cơ hội song cũng không ít rủi ro, thách thức, thời gian qua, KBNN Bình Dương luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra gắn với quản lý rủi ro. Cụ thể, trong năm 2022, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra KBNN, KBNN Bình Dương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra nội bộ với các nội dung trọng tâm như: Tăng cường quản lý đầu tư; xử lý nợ đọng đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành; khắc phục những tồn tại, sai sót của các hồ sơ dự án trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nội ngành.
Cùng với đó, đơn vị tập trung hoàn chỉnh các văn bản chế độ, quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác quản lý và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi tiêu cực, tham nhũng; duy trì tốt chế độ báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng theo quy định, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, phân tích báo cáo nhằm đánh giá tổng quát và chính xác chất lượng hoạt động nghiệp vụ tại cơ sở. Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn vị thực hiện đúng quy định, đúng quy trình...
Trong năm 2022, qua kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý sau kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc cho thấy, phần lớn các đơn vị chấp hành tốt các quy định pháp luật, kết luận của đoàn kiểm tra và khắc phục đầy đủ, đúng thời gian quy định. Công tác kiểm tra giúp công chức, đơn vị trực thuộc kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót và chủ động khắc phục. Việc làm này cũng giúp hình thành ý thức chấp hành chính sách, chế độ, quy trình nghiệp vụ và nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với mỗi cán bộ, công chức trong đơn vị.
Các đơn vị được thanh tra chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ các hồ sơ theo yêu cầu của đoàn thanh tra; chấp hành đúng, đủ dự toán được giao, các khoản chi NSNN có trong danh mục dự toán, được thủ trưởng đơn vị chuẩn chi, các khoản chi đúng thẩm quyền ký duyệt, hạch toán và đối chiếu số liệu đầy đủ. Đáng chú ý, kết quả hoạt động thanh tra chuyên ngành của KBNN Bình Dương còn giúp các đơn vị kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để chấn chỉnh, hoàn thiện cũng như đưa ra đề xuất, kiến nghị đối với đơn vị quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn NSNN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra của đơn vị hiện nay còn gặp những vướng mắc nhất định, đơn cử như: Số lượng đơn vị sử dụng ngân sách - đối tượng thanh tra chuyên ngành tại địa phương lớn, trong khi, lực lượng công chức thanh tra còn quá mỏng; sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán tuy đã được tăng cường song cũng không thể tránh khỏi có việc chồng chéo, trùng lặp đối tượng thanh tra, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra hàng năm...
Để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, tăng cường hơn nữa chất lượng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra tại đơn vị, KBNN Bình Dương đề ra một số giải pháp trọng tâm, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với quản lý rủi ro như: Triển khai công tác thanh tra – kiểm tra theo đúng định hướng, kế hoạch được phê duyệt; thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành có trọng tâm, trọng điểm và đúng luật, đúng quy chế, quy trình; Tăng cường đào tạo bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thanh tra kiểm tra đặc biệt là việc xử lý tình huống trong hoạt động thanh tra; Tăng cường sự phối hợp để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, hạn chế tình trạng chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành KBNN với thanh tra nhà nước và các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trên địa bàn.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra nội bộ về chấp hành pháp luật khi thi hành công vụ của cán bộ, công chức; Đổi mới công tác giám sát hoạt động thanh tra; tăng cường vai trò giám sát thanh tra kiểm tra của đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, của người ra quyết định thanh tra... Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý, tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng thanh tra trong thực thi công vụ...
Toàn hệ thống KBNN đã và đang hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, hình thành Kho bạc số với 3 không: “Không khách hàng tại trụ sở, không tiền mặt và không giấy tờ ”. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy các kết quả đạt được, thường xuyên cập nhật cơ chế, chính sách nghiệp vụ, đội ngũ thanh tra, kiểm tra của KBNN Bình Dương cần đổi mới hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát nghiệp vụ; tranh thủ công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng và triển khai mạnh mẽ các chương trình, ứng dụng nghiệp vụ của KBNN đáp ứng được yêu cầu của công tác giám sát từ xa.