Tăng cường trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng trách nhiệm kỷ luật sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước
Người đại diện phần vốn nhà nước (gọi tắt là người đại diện) là người được chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ vốn góp của Nhà nước tại DN để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước hoặc thành viên góp vốn tại tập đoàn, tổng công ty, công ty theo quy định của pháp luật.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước cử sẽ đại diện cho Nhà nước trong việc thực hiện các quyền của người góp vốn tại DN, do vậy, người đại diện chịu trách nhiệm kỷ luật trước Nhà nước. Nhà nước có thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện khi người đại diện có hành vi vi phạm.
Theo đó, trách nhiệm kỷ luật của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có thể hiểu là hình thức trừng phạt do chủ sở hữu nhà nước áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN khi người đó vi phạm pháp luật, chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Thứ nhất, trách nhiệm kỷ luật được đặt ra khi người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc thi hành nhiệm vụ được giao hay có ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ. Đây là một dạng trách nhiệm pháp lý cụ thể nên trách nhiệm kỷ luật chỉ được đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật.
Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước cử sẽ đại diện cho Nhà nước trong việc thực hiện các quyền của người góp vốn tại DN, do vậy, người đại diện chịu trách nhiệm kỷ luật trước Nhà nước. Nhà nước có thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện khi người đại diện có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, không phải mọi hành vi vi phạm pháp luật đều dẫn tới trách nhiệm kỷ luật. Chỉ những hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc những hành vi có liên quan đến nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, chủ thể chịu trách nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp này là trách nhiệm pháp lý gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN được Nhà nước giao. Điều này đồng nghĩa với việc chủ thể phải chịu trách nhiệm là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN và hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình đại diện phần vốn nhà nước tại DN.
Việc người đại diện chịu trách nhiệm trước Nhà nước thể hiện ở các hình thức kỷ luật mà cơ quan đại diện cho Nhà nước có quyền áp dụng đối với người đại diện phần vốn nhà nước, trong đó bao gồm từ việc khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc.
Thứ ba, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN chỉ được áp dụng bởi cơ quan có thẩm quyền được Nhà nước giao, cụ thể trong trường hợp này là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN có hành vi vi phạm.
Đối với trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự thì hoạt động của người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm pháp lý mang tính chuyên nghiệp và giữa người truy cứu trách nhiệm và người bị truy cứu trách nhiệm không có quan hệ lệ thuộc về tổ chức…
Thứ tư, trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện bao gồm các biện pháp khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Các biện pháp chế tài này được quy định trong pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN và được cụ thể hóa trong các văn bản quản lý của các cơ quan quản lý vốn nhà nước.
Việc áp dụng các biện pháp chế tài luôn ảnh hưởng bất lợi tới các quyền và lợi ích của người bị áp dụng, do đó, các nguyên tắc, thủ tục truy cứu trách nhiệm kỷ luật được pháp luật quy định chặt chẽ mà không thể áp dụng một cách tùy tiện.
Siết chặt kỷ luật đối với người đai diện vốn nhà nước
Trách nhiệm kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không chỉ mang tính răn đe, xử lý đối với người có hành vi vi phạm mà còn như “phanh hãm” ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Để đảm bảo điều này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần phát hiện nhanh chóng, kịp thời các sai phạm nếu có của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Nếu nơi nào có cách làm hay, đổi mới, sáng tạo thì cũng cần được ghi nhận và phát huy nhân rộng.
Thứ hai, khi phát hiện hành vi vi phạm cần kết luận rõ ràng và xử lý kịp thời, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, hạn chế thiệt hại cho Nhà nước, DN. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nếu phát hiện hành vi vi phạm cần kết luận rõ ràng, chính xác và xử lý nghiêm minh. Hạn chế tình trạng “bao che” của cơ quan quản lý đối với hành vi vi phạm của người đại diện.
Thứ ba, khi kết thúc đại diện phần vốn nhà nước tại DN cần có sự xem xét, đánh giá về kết quả đạt được, nếu có vi phạm thì xử lý ngay, tránh những trường hợp nhiều năm sau mới phát hiện vi phạm. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng buông lỏng quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm quản lý đối với người đại diện phần vốn nhà nước cần quy định rõ về trách nhiệm liên đới của cơ quan quản lý. Trường hợp biết người đại diện có vi phạm không xử lý hoặc có sự câu kết với người đại diện để trục lợi thì cần quy định xử lý tăng nặng trách nhiệm pháp lý.