Tăng giá mặt hàng thiết yếu đã có tính toán tới các tác động

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trả lời kiến nghị của cử tri một số tỉnh, thành phố về tình hình giá cả còn nhiều biến động, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu... Bộ Tài chính cho biết, khi điều chỉnh giá các mặt hàng đó đều tính toán mức độ tác động đến sản xuất và đời sống để có những biện pháp thích hợp hạn chế tác động bất lợi đến nền kinh tế thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tăng giá mặt hàng thiết yếu đã có tính toán tới các tác động
Giá điện, xăng dầu điều hành trên nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nguồn: Internet.

Không để giá xăng tăng quá cao

Cử tri một số tỉnh như Bình Định, Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long... cho rằng mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời trong điều hành nền kinh tế đất nước ổn định và phát triển, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, nhưng tình hình giá cả, nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi… vẫn còn chiều hướng biến động không ổn định đã làm cho các tầng lớp nhân dân gặp khó khăn trong đời sống và sản xuất nhất là người có thu nhập thấp và nông thôn. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh hợp lý nhằm bình ổn giá cả của một số mặt hàng thiết yếu.

Bộ Tài chính cho biết, đối với giá xăng dầu hiện nay được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, với nguyên tắc cơ bản thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: Quy định công thức tính giá cơ sở tính theo bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước.

Theo Nghị định 84, khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp hoặc việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính và Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Cụ thể, Bộ Tài chính dẫn chứng: Trong năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã không phải điều chỉnh tăng mà được giữ ổn định trong 10 lần điều hành do sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, hoặc giảm thuế nhập khẩu, hoặc điều chỉnh giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở.

Trong khi đó, giá bán xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh tăng 5 lần (đa số mức tăng giá đều ở mức độ kiềm chế do việc sử dụng kết hợp các công cụ tài chính). Khi giá xăng dầu thế giới giảm, Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã kịp thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện 6 lần giảm giá bán xăng dầu trong nước.

Tăng giá điện nhưng ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo

Đối với giá điện, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương được giao chức năng quản lý nhà nước về giá điện; Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp theo quy định. Năm 2013, giá bán điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng một lần, từ 1.437 đ/kwh lên mức 1.508,85 đ/kwh, tỷ lệ tăng 5%; thời gian thực hiện từ 1-8-2013.

Trên thực tế, song song với việc điều chỉnh giá điện, để hạn chế tác động đến an sinh xã hội, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ riêng đối với các hộ sử dụng điện có thu nhập thấp và hộ nghèo. Cụ thể: Các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ giá điện là 30.000 đồng/hộ/tháng. Trong các đợt điều chỉnh giá điện bình quân 2 năm vừa qua (3 lần), giá bán lẻ điện sinh hoạt được giữ ổn định đối với bậc thang đầu tiên (0 – 50 kwh) cho hộ nghèo và thu nhập thấp (993 đ/kwh).

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc tăng giá điện, xăng dầu để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; không bù chéo; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân… Bên cạnh đó có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá, thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường để có phương án điều hành phù hợp từng thời kỳ...

Vật tư nông nghiệp thuộc danh mục hàng BOG

Đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp (mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) - một trong những mặt hàng nhiều cử tri quan tâm, Bộ Tài chính cho biết, khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi hồ sơ đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước.

Trường hợp Nhà nước không công bố các biện pháp bình ổn giá, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gửi hồ sơ kê khai giá về cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra và bình ổn giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông qua việc kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá được doanh nghiệp báo cáo khi thực hiện đăng ký giá, kê khai giá.