Tăng giá trần vé máy bay sẽ tác động tới các hãng và người dân thế nào


Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy định giá trần vé máy bay trên các đường bay nội địa. Vậy điều này sẽ tác động như thế nào tới các hãng hàng không và người dân?

Giá vé nội địa có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều - Ảnh: T.L
Giá vé nội địa có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều - Ảnh: T.L

Giá vé nội địa có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75 - 6,67%, trong đó có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé một chiều. Giá vé máy bay hạng phổ thông trên 4 đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75%.

Nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500km như hiện nay.

Nhóm đường bay từ 500km đến dưới 850km, giá trần hiện tại 2,2 triệu đồng sẽ tăng lên 2,25 triệu đồng, tăng 2,27%.

Nhóm đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, giá trần hiện tại 2,79 triệu đồng sẽ tăng lên 2,89 triệu đồng, tăng 3,85%

Nhóm đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, giá trần hiện tại 3,2 triệu đồng sẽ lên 3,4 triệu đồng, tăng 6,25%.

Đường bay từ 1.280km trở lên, giá trần hiện tại 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng, tăng 6,67%.

Như vậy, đường bay từ 1.280km trở lên có mức tăng mạnh nhất, với 6,25% và 6,67%. Đó là các đường bay như: Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Phú Quốc. Nhóm đường bay dưới 500km như: TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt, Hà Nội - Vinh giữ nguyên.

So sánh các chỉ số không hợp lý

Liên quan đến việc tăng giá vé máy bay trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng chi phí nhiên liệu tại thời điểm tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Theo tính toán của cơ quan này, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,14% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,92% so với tháng 8/2015.

Câu hỏi đặt ra khiến nhiều bạn đọc cũng như các chuyên gia băn khoăn là tại sao lại lấy số liệu nhiên liệu tháng 12/2014 và tháng 9/2015 để so sánh với tháng 12/2022 mà không phải tại thời điểm áp dụng giá trần năm 2019 với thời điểm hiện tại.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/12, phóng viên Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với Chuyên gia Kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc nâng trần giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là cần thiết. “Theo tôi, việc nâng trần giá vé máy bay là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi, trần giá vé hiện tại đã áp dụng được 4 năm, trong khi nền kinh tế đã có nhiều biến động”, ông Thịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các cơ quan chức năng và các hãng bay cần làm rõ việc so sánh chi phí, các chỉ số so sánh phải đồng nhất. Thời điểm áp giá trần của năm 2019 ra sao và đến nay các chi phí đầu ra, đầu vào và các chi phí khác của hãng bay đến thời điểm nới trần như thế nào.

“Tôi cho rằng, việc so sánh chi phí đầu vào là không hợp lý. Nếu thay đổi giá trần ở thời điểm nào thì phải tính chi phí tại thời điểm đó làm căn cứ. Giá trần năm 2019 thì không thể lấy giá chi phí đầu vào năm 2014 và 2015 so sánh với giá nhiêu liệu năm 2022 để làm căn cứ áp giá cho 2023. Không thể lấy giá mức cao nhất để so với mức thấp nhất”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Nâng giá trần vé máy bay phải bảo đảm chất lượng, an toàn, dịch vụ bay

Từ tháng 3/2024, giá vé nội địa có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều đối với mỗi chuyến bay từ 1.280km trở lên. Đó là các đường bay như Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội - Phú Quốc.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, việc nâng giá trần có thể lên đến 4 triệu đồng/vé/chiều hay 5 triệu đồng/vé/chuyến không phải là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, nó sẽ tác động mạnh đến các hãng bay, lượng người bay sẽ ít, sẽ giảm thiểu sự chú ý của người dân đến loại hình vận tải này.

“Giá trần là giá tối đa, là ngưỡng để các doanh nghiệp phải cạnh tranh để hạ giá thành. Việc nâng giá trần phải đi đôi với an toàn bay, giờ bay, chất lượng dịch vụ bay mới là vấn đề quan trọng”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia Kinh tế chia sẻ, việc tăng giá trần phải đi kèm với chất lượng dịch vụ bay. Giá vé cao, chi phí đi lại đắt đỏ, từ đó sẽ điều tiết được lượng người đi loại hình vận tải này.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc tăng giá trần sẽ phá thế độc quyền của hàng không. “Khi người tiêu dùng không đi nữa thì giá vé sẽ không thể tăng mà buộc phải hạ xuống. Đây là sự va đập giữa cung, cầu của thị trường. Từ đó, giá vé sẽ do người tiêu dùng quyết định, họ có quyền bỏ phiếu cho những hãng hàng không nào mà họ cảm thấy phù hợp, chất lượng dịch vụ tốt”, TS. Nguyễn Minh Phong phân tích thêm.

Theo Báo Công Thương