Tăng giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
(Tài chính) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 26/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế; thảo luận về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.
Tăng cường giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Với 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,11%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Luật gồm 10 chương 66 điều, quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng của Luật là đại diện chủ sở hữu nhà nước; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều chỉnh lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã được 366 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 73,64%). Theo đó, Luật chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, mặt hàng kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin, nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về thuế suất, Luật quy định việc điều chỉnh lộ trình thực hiện đối với bia bắt đầu từ ngày 1/1/2016 và bổ sung lộ trình thực hiện đối với rượu, cụ thể như sau đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018...
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo đó, thời điểm thực hiện đối với các mặt hàng chịu thuế từ ngày 1/7/2015 sẽ chuyển sang thực hiện từ ngày 1/1/2016.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế với 425 đại biểu tán thành (chiếm 85,51%).
Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư; giảm bớt khó khăn về vốn, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển sản xuất-kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách trong dài hạn.
Luật quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tài nguyên, Luật quy định "miễn thuế đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt"...
Góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động
Thảo luận về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động, các đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng và ban hành Luật.
Bởi, vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững; đồng thời, việc ban hành Luật sẽ góp phần thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân tại Điều 35 và Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động tại Điều 57 của Hiến pháp cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Đa số các đại biểu tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật An toàn vệ sinh lao động cho tất cả người lao động (trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động) vì đây là khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp, mất vệ sinh, an toàn lao động.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) phân tích hiện, Việt Nam có trên 60.000 doanh nghiệp; trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa kể hàng chục vạn cơ sở sản xuất trong các làng nghề, lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là khu vực mà máy móc thiết bị chưa hiện đại, quy trình sản xuất chưa chặt chẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động; trong khi đó hơn 60% lao động tham gia sản xuất ở khu vực này. Vì vậy, việc quy định bổ sung chính sách mới cho người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động là rất cần thiết.
Thể hiện sự tán thành với việc mở rộng đối tượng, tuy nhiên, các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)... cho rằng các quy định về an toàn vệ sinh lao động còn mang tính rải rác, cần quy định rõ trong chương riêng để mang tính khả thi.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, dự án Luật cần phân tích rõ, lý giải đầy đủ, mang tính khoa học việc mở rộng đối tượng trong khu vực không có quan hệ lao động.
Việc quy định này có thể chỉ nêu tính nguyên tắc để Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.
Đảm bảo thực thi giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động
Nhiều đại biểu nhất trí với việc quy định thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động ở ba cấp: Trung ương, tỉnh, và huyện; đồng thời cho rằng đây là quy định quan trọng nhằm đảm bảo thực thi giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một cách hữu hiệu, đảm bảo xử lý nhanh khi có tai nạn xảy ra.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần quy định cho rõ ràng chặt chẽ để tránh phình bộ máy biên chế.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nêu ý kiến hiện nay theo thống kê, đội ngũ thanh tra về an toàn vệ sinh lao động còn "mỏng" so với yêu cầu, nếu mở rộng thêm đối tượng ngoài quan hệ lao động cần tăng cường thêm thanh tra ở các bộ, ngành, nhất là các địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, có quy chuẩn rõ ràng để lực lượng thanh tra này thực sự bám sát cơ sở và chỉ đạo có hiệu quả.
Trái với ý kiến trên, đại biểu Hà Thị Vân (Thanh Hóa) cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc quy định thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện sẽ làm tăng biên chế. Ngoài ra, việc thanh tra chuyên ngành đòi hỏi yêu cầu cao, vì vậy chỉ nên giao cho lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.
Đề cập tới những quy định về điều tra, giải quyết tai nạn lao động chết người xảy ra ở các cơ quan, doanh nghiệp, các đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Trần Thanh Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định tai nạn chết người ở các doanh nghiệp thời gian qua thường bị các doanh nghiệp dấu diếm gây khó cho cơ quan điều tra. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung quy định công đoàn cơ sở tham gia vào các đoàn điều tra về tai nạn lao động tại cơ sở đó. Khi ở cơ sở mà có tai nạn lao động chết người thì trách nhiệm của công đoàn cơ sở phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước biết để cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các thủ tục điều tra.
Cũng trong phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức thống kê, báo cáo các vụ tại nạn lao động xảy ra trong khu vực không có quan hệ lao động./.