Tăng lãi suất cho vay mua nhà, đất
Trong bối cảnh thị trường nhà đất có dấu hiệu "bong bóng", nhiều ngân hàng thương mại đã siết chặt cho vay trong lĩnh vực bất động sản dù đây là phân khúc khá hấp dẫn.
Mức lãi suất cho vay mua nhà, đất đã tăng khá cao so với trước đây nhưng các ngân hàng cho rằng việc tăng là cần thiết khi thị trường bất động sản nhiều nơi đang tăng "nóng", giá đất cao bất thường…
Nhu cầu vay tăng mạnh
Từ ngày 2/5, ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bắt đầu áp dụng biểu lãi suất cho vay mới đối với các khoản vay mua nhà, đất tăng thêm 1%/năm so với trước, lên mức 11%/năm.
Nhân viên tín dụng Eximbank Chi nhánh Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết hiện ngân hàng có 2 gói tín dụng cho vay mua bất động sản với lãi suất cố định 11%/năm trong năm đầu tiên, không tính lãi phạt nếu khách hàng trả nợ trước hạn. Với lãi suất 11%/năm trong 2 năm đầu nhưng nếu trả nợ trước hạn, khách hàng sẽ bị phạt 1% trên tổng số tiền trả trước hạn.
Mức lãi vay này đã tăng khá cao so với trước và hiện ngân hàng cũng không triển khai gói tín dụng ưu đãi nào cho lĩnh vực bất động sản hoặc khách hàng cá nhân vay mua nhà. Mức lãi suất này áp dụng cho tất cả khoản vay bất động sản bao gồm cả vay xây, sửa nhà, mua căn hộ…
"Nhu cầu vay mua nhà, đất ở khu vực các quận 2, 9, Thủ Đức… của TP. Hồ Chí Minh đang tăng mạnh nên hồ sơ của khách hàng rất nhiều. Có người vay tới chục bộ hồ sơ (vay mua nhiều miếng đất, căn nhà khác nhau - PV) nên nhân viên ngân hàng làm không kịp, vì phải thẩm định, định giá và xét duyệt. Có khi cả tuần mới có kết quả vay vốn và giải ngân" - nhân viên tín dụng này nói.
Tại phòng giao dịch ngân hàng TMCP Việt Á trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), nhân viên cho biết hiện mức lãi vay mua đất khoảng 12,38%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao so với các lĩnh vực kinh doanh thông thường ở các ngân hàng khác. Dù lãi suất cao nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn nhiều. Ngày nào phòng giao dịch này cũng có vài khách hàng đến hỏi vay vốn để mua bất động sản.
Trong khi đó, chị Ngọc Anh (ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh) thừa nhận đang có nhu cầu vay khoảng 1 tỉ đồng để mua miếng đất ở phường Long Phước, quận 9 nhưng khi liên hệ vài ngân hàng, chị thấy lãi suất tăng khá cao so với trước. "Mức lãi suất này cao so với dự kiến nên tôi phải cân nhắc, tính toán khoản đầu tư. Các khoản tín dụng ưu đãi vay mua nhà, đất hoặc gói tín dụng dành cho bất động sản, cố định lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu 6-12 tháng cũng không thấy các ngân hàng triển khai như trước" - chị Ngọc Anh nói.
Siết vốn là cần thiết
Về việc thẩm định giá trị nhà, đất làm tài sản thế chấp ở những khu vực sốt đất tại TP. Hồ Chí Minh, các ngân hàng sẽ thẩm định để cho vay không dựa theo giá đất mà tùy từng trường hợp cụ thể. Thời điểm hiện tại, giá đất ở các khu vực này đang bị "thổi" và tăng cao bất thường so với giá trị thực, nên thường ngân hàng chỉ định giá bằng 50% giá thị trường. Một số ngân hàng thẩm định xong và chỉ cho vay 30%-40% giá trị nhà đất, chứ không phải cho vay 70%-80% giá trị tài sản thế chấp như các lĩnh vực khác.
Lãnh đạo một số ngân hàng lý giải tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu vay vốn đầu tư nhà đất của khách hàng là cần thiết. Theo nhân viên một ngân hàng thương mại nhà nước chi nhánh quận 2, ngân hàng này cũng vừa tăng lãi suất để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh nhu cầu vay mua bất động sản cao và thị trường tăng quá "nóng".
Xu hướng lãi suất cho vay tăng là khó tránh. Thậm chí, nhu cầu vay bất động sản tăng vọt thời gian qua khiến một vài ngân hàng đã hết hạn mức cho vay phân khúc này.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn tại TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận đúng là hiện tại, các ngân hàng không dành ưu đãi cho vay bất động sản như trước. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng bất động sản tại ngân hàng này tăng khá cao nên dư địa cho vay không còn nhiều.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy trong quý I/2018, tín dụng trung - dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại. Trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6% thì tín dụng trung - dài hạn đã tăng tới 4,3% và hiện chiếm tới 53,2% tổng dư nợ tín dụng.
Theo các ngân hàng, bên cạnh cho vay mua nhà, đất thì cho vay để xây, sửa nhà trọ, phòng trọ hiện cũng phải tính vào tín dụng bất động sản, cộng thêm các khoản cho vay mua ôtô, cho vay sửa chữa nhà… đều được tính vào tín dụng trung - dài hạn theo quy định của ngân hàng Nhà nước. Chưa kể từ đầu năm 2018, tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm còn 45% và đến đầu năm 2019 sẽ giảm về 40% theo quy định, nên các ngân hàng phải cân nhắc.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo các ngân hàng cẩn trọng cho vay các lĩnh vực nhiều rủi ro, trong đó có bất động sản. Hiện ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra nhiều quy định ràng buộc tỉ lệ cho vay bất động sản nhằm bảo đảm an toàn tín dụng cho các tổ chức tín dụng, trong đó có việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản vay kinh doanh bất động sản lên 250%. Tính đến cuối tháng 3/2018, tỉ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 10,8%-10,9%.
Người vay mua nhà để ở "vạ lây"
Lãi suất cho vay bất động sản tăng lên ở nhiều ngân hàng sẽ khiến những người có nhu cầu vay mua nhà để ở bị ảnh hưởng. Bởi theo các ngân hàng, mức lãi suất được điều chỉnh với khách hàng vay mua nhà đất là áp dụng chung, chứ không có ngoại lệ hoặc lãi suất ưu đãi cho những người mua căn nhà đầu tiên hay mua để ở.
Như vậy, những người có nhu cầu vay mua nhà để ở sẽ khó tiếp cận vốn hoặc phải vay với lãi suất cao hơn.