Tăng lãi suất huy động trung, dài hạn

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất. Cùng lúc, nhiều NHTM khuyến khích khách hàng chuyển sang kỳ hạn dài trên 6 tháng để hưởng lãi suất cao hơn.

 Tăng lãi suất huy động trung, dài hạn
Ngân hàng vẫn hút vốn ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Nguồn: internet

Đồng loạt hạ lãi suất

Theo Quyết định 498/QĐ-NHNN, từ ngày 18/3, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Quyết định 497 cũng quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là người cư trú hoặc không cư trú (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) 0,25%/năm và tiền gửi của cá nhân giảm từ 1,25%/năm xuống 1%/năm.

Ngay sau đó, các NHTM đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động theo quy định. Trong đó, nhóm NHTM nhà nước huy động cách trần 0,2-1% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, tại BIDV, lãi suất huy động 1 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 2 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 6%/năm, kỳ hạn 6, 9 tháng 6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng 7,5%/năm.

Trước khi NHNN hạ trần lãi suất, lãi suất trên thị trường đã giảm. Nếu nói động thái này sẽ tác động đến việc tăng trưởng tín dụng chưa đủ cơ sở, bởi hệ thống NHTM vẫn còn nợ xấu cao trong khi tiến độ xử lý chậm. Vấn đề tín dụng hiện nay không phải là lãi suất cao hay thấp, mà thực tế các NHTM đang hạn chế cho vay vì e ngại rủi ro từ doanh nghiệp làm phát sinh thêm nợ xấu.

TS. Nguyễn Xuân Thành,
Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế  Fulbright

Vietcombank, Agribank và VietinBank cùng áp dụng lãi suất 5,5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, 5,8%/năm kỳ hạn 2 tháng, 6%/năm kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 6, 9 tháng là 6,5%/năm. Riêng kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank áp dụng lãi suất cao nhất trong khối NHTM nhà nước là 8%/năm, trong khi tại Agribank 7,5%/năm.

Ở khối NHTM cổ phần, mức lãi suất huy động cũng giảm xuống. Theo đó, ngoài Sacombank, MB, ACB áp dụng lãi suất huy động 1-2 tháng 5,8-5,9%/năm, các NHTM khác như Eximbank, HDBank huy động kịch trần 6%/năm.

Trong khi đó, đối với kỳ hạn 1 tháng, SeAbank, OCB, LienVietPostBank, DongABank, SaiGonBank áp dụng dưới trần, từ 5,5-5,8%/năm, các NHTM cổ phần còn lại đều áp dụng lãi suất kịch trần. Kỳ hạn 3 tháng của các NHTM cổ phần hiện đều ở mức 6%/năm.

Do trần lãi suất chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, còn từ 6 tháng trở lên do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường, nên mức lãi suất ở kỳ hạn này cũng có sự chênh lệch lớn giữa các ngân hàng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, DongABank áp dụng lãi suất thấp nhất 6,2%/năm và cao nhất là SouthernBank 7,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng, TPBank đang có lãi suất cao nhất 8,95%/năm, VIB và VietABank thấp nhất với 7%/năm.

Hiện HDBank đang có mức lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng cao nhất với kỳ hạn 18 tháng 9%/năm và kỳ hạn 24, 36 tháng 9,5%/năm. Tại các NHTM cổ phần khác, mức lãi suất kỳ hạn dài cũng khá cao, dao động 7,7-9%/năm.

Dòng tiền có thể chuyển dịch

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện chỉ Sacombank áp dụng hình thức cộng thêm lãi suất cho khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng đối với kỳ hạn 1 tháng, nhưng cũng chỉ 0,1%. Trong khi đó, nhân viên giao dịch của BIDV cho biết khách hàng gửi số tiền lớn không được cộng thêm lãi suất.

Nhiều ngân hàng nói chưa thể hỗ trợ cộng thêm đối với kỳ hạn ngắn, muốn lãi suất cao và ổn định, khách hàng nên chuyển sang gửi kỳ hạn dài. Thông tin giảm lãi suất những ngày qua cũng tác động không nhỏ đến tâm lý người gửi tiền. Nhân viên tại các NHTM cổ phần cho biết, 2 ngày qua, khách hàng liên tục hỏi về lãi suất huy động. Song đến thời điểm này, lượng tiền gửi tại các ngân hàng vẫn ổn định, chưa có dấu hiệu rút ra để đầu tư vào lĩnh vực khác.

Nhiều khách hàng cho biết sẽ cân nhắc chuyển kỳ hạn gửi tiền để có lãi cao hơn. Theo các chuyên gia, do trần lãi suất chỉ áp dụng cho kỳ hạn dưới 6 tháng, nên để giữ khách hàng mức lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng tại các ngân hàng vẫn khá cạnh tranh, giúp ngân hàng có thể gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn. Với tình hình lãi suất hiện tại, người gửi tiền có thể cân nhắc phân bổ khoản tiền theo nhu cầu để vừa gửi kỳ hạn ngắn, vừa gửi kỳ hạn dài để tối ưu hóa lợi ích từ tiền gửi tiết kiệm.

Cùng với việc giảm lãi suất huy động, NHNN cũng ban hành Quyết định 499/QĐ-NHNN. Theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm. Hiện BIDV tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ xuống còn 8%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, HSBC Việt Nam cho rằng mục đích NHNN hạ trần lãi suất lần này nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng các điều kiện tín dụng sẽ không có thay đổi lớn. Bởi bản thân lãi suất không phải là vấn đề vì đã được đưa về khung hợp lý và tiền đồng đang trong tình trạng dư thừa. Vấn đề chính yếu của Việt Nam là nợ xấu vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Với lạm phát tăng trong vài tháng tới, HSBC không kỳ vọng sẽ có thêm đợt cắt giảm nào. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc hạ trần lãi suất 1% do kênh tiền gửi đã bắt đầu kém hấp dẫn và nhiều khả năng dòng tiền từ kênh này sẽ được rút ra để đầu tư vào các kênh tài sản khác sinh lời cao hơn. Chẳng hạn hiện nay chứng khoán đang rất khởi sắc và rất có thể sẽ hút được lượng tiền lớn trong thời gian tới.