Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế nổi bật. Tuy nhiên, nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những thách thức của “bẫy thu nhập trung bình”, nền kinh tế còn thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành và các địa phương, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ngày càng gia tăng...
Để bảo đảm tính bền vững và bao trùm của tăng trưởng kinh tế, cần có những giải pháp để phát triển các ngành có lợi thế; phân bổ hợp lý và minh bạch các nguồn lực công; nâng cao năng suất; phát triển giáo dục đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0...
Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam: Một số thách thức đặt ra
Tăng trưởng bao trùm là cụm từ mới được sử dụng khoảng vài năm gần đây, và đã được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều quốc gia. Theo chuyên gia kinh tế Fulbright Việt Nam, cụm từ “tăng trưởng bao trùm” được nhắc đến đầu tiên trong các báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).
Tăng trưởng bao trùm là hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia và được nhận lại tương xứng đóng góp của mình(1).
Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, nền kinh tế Việt Nam phát triển còn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Do mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu mang tính trung lập trong việc phân phối, nên sự giảm tốc trong những cải thiện về chỉ số tăng trưởng bao trùm xuất phát chủ yếu từ sự giảm sút tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống đáng kể, từ mức bình quân 6,72% trong giai đoạn 1986-2005 xuống chỉ còn 6,05% trong giai đoạn 2006-2014.
Có thể thấy, căn nguyên giảm sút trong tăng trưởng gần đây bắt nguồn từ tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô ngày càng tăng vào cuối những năm 2000. Điều này đã làm xấu thêm những yếu kém vốn tồn tại trong cơ cấu của nền kinh tế ở những vấn đề then chốt như thể chế, kết cầu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng hướng tới hội nhập toàn cầu, mở ra những cơ hội lớn đối với sự nghiệp phát triển của đất nước.
Nhưng thời điểm đó cũng gắn liền với giai đoạn cuối của nền kinh tế toàn cầu phát triển quá nóng, với sự mất cân đối toàn cầu được xác định là nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng năm 2008. Những dòng vốn khổng lồ di chuyển trên toàn cầu để tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn đã tạo ra bong bóng tài sản lớn, đặc biệt là những bong bóng bất động sản ở Hoa Kỳ và một số nước châu Âu.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt vào nửa cuối của những năm 2000. Các dòng vốn lớn vào Việt Nam dẫn đến tình trạng dư thừa tiền trong lưu thông, do đó gây lạm phát các tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng và ngoại tệ, làm nảy sinh rất nhiều hệ quả tiêu cực.
Biểu hiện đầu tiên là sự chuyển hướng từ tiết kiệm sang tiêu dùng thái quá, nhất là những người giàu có. Khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư trong giai đoạn 2001-2005 từ 1,83% GDP đã tăng lên đến 7,51% trong giai đoạn 2008-2010(2) đã gây nên bất ổn kinh tế vĩ mô. Bong bóng tài sản đã kích thích hành vi đầu cơ trong toàn xã hội, từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân và trong dân cư nói chung.
Giá cả tài sản tăng nhanh chóng. Phần lớn các nguồn lực về tài chính, con người và vật chất thay vì được rót vào nền kinh tế thực để tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao năng lực công nghệ và kỹ năng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của đất nước đã bị chuyển hướng tập trung sang mục đích đầu cơ.
Do có quá nhiều tiền trong lưu thông, nhiều ngân hàng thương mại đã nới lỏng tiêu chuẩn cho vay và buông lỏng quản lý rủi ro. Nhiều khoản vay không đạt chuẩn cũng được phê duyệt, một khối lượng đáng kể tiền cho vay được đổ vào các hoạt động đầu cơ. Một loạt các đại án trong ngành ngân hàng thời gian qua là minh chứng cho việc buông lỏng quản lý tiền tệ.
Chi tiêu công gia tăng, từ mức bình quân 27% GDP giai đoạn 2001-2006 lên 28,9% GDP giai đoạn 2007-2010 và 29,2% GDP giai đoạn 2011 - 2015. Đầu tư công dàn trải cho quá nhiều dự án, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong xây dựng và đội vốn lên nhiều lần. Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên đến 61% năm 2015, trong đó, nợ Chính phủ chiếm 49,2%; nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9%; nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, tăng khoảng 10% trong 5 năm qua, cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa cũng như mục tiêu tăng trưởng bao trùm(3).
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những thách thức của “bẫy thu nhập trung bình”. Hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm bộc lộ những yếu kém của Việt Nam trong quá trình phát triển của mô hình tăng trưởng hiện nay.
Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ về phát triển con người của Việt Nam đã bắt đầu giảm sút. Thực tế cho thấy, những năm 1990-2005, tăng trưởng đa số mang lại lợi ích cho người dân. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ mở cửa, thu nhập chính của người dân có được từ công việc, chênh lệch giàu nghèo chủ yếu do chênh lệch về kỹ năng của người lao động.
Khi kinh tế phát triển, nhóm thu nhập cao tích lũy được tài sản cũng như đầu tư nhiều hơn vào tài sản để có thu nhập từ tài sản. Giai đoạn từ 2010 đến nay, chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư phần lớn là từ chênh lệch thu nhập từ tài sản (bất động sản, cổ phiếu, tiền gửi, sở hữu đất đai và công cụ sản xuất), khiến cho bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng hơn. Điều này được phản ánh qua hệ số GINI.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 1993, hệ số GINI của Việt Nam là 0,33 có nghĩa là có 33% “cái bánh” không được chia đều thì đến năm 2016, tỷ lệ này đã lên đến 44% (tương ứng 0,44 điểm). Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, nếu hệ số GINI ở ngưỡng 0,5 điểm trở lên là nguy hiểm bởi nó ẩn chứa sự bất ổn xã hội, chênh lệch giàu nghèo lớn, xã hội bị phân hóa mạnh.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, năm 1993, chênh lệch giữa nhóm 20% dân số giàu nhất so với 20% dân số nhóm nghèo nhất chỉ khoảng 4,4 lần thì đến năm 2016 đã tăng lên 10 lần. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số tương đối, thực tế có thể cao hơn nhiều vì thu nhập của người giàu đang rất khó đo đếm được.
Các nghiên cứu về bất bình đẳng cũng cho thấy trong giai đoạn trước, nguyên nhân của bất bình đẳng chủ yếu là sự khác biệt giữa các nhóm xã hội khác nhau, ví dụ như thành thị - nông thôn, người Kinh - người dân tộc thiểu số,... nhưng nay bất bình đẳng đang xảy ra trong nội tại giữa các nhóm. Đây là thách thức mà Chính phủ cần giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững và bình đẳng xã hội.
Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015về tăng trưởng bao trùm do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hợp tác nghiên cứu với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc cho thấy: năm 2013, chi tiêu công cho an sinh xã hội nói chung bằng 2,8% GDP thì riêng phần trợ giúp xã hội chỉ chiếm 0,4% GDP.
Tình trạng này cộng với diện bao phủ hạn chế của trợ giúp xã hội đã dẫn tới sự “bỏ sót nhóm ở giữa” - cận nghèo và trung lưu lớp dưới thường làm việc ở khu vực phi chính thức. Vào năm 2013, có 62,7% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.
Với việc không được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, có thể coi những lao động này (lao động tự tạo việc làm và lao động trong gia đình không được trả công) là “dễ bị tổn thương” khi phải đối phó với các cú sốc và có rất ít khả năng đầu tư cho tương lai. Số liệu về hiện trạng việc làm theo giới cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa nam giới và nữ giới.
Trong năm 2013, nữ giới chiếm 41,1% trong tổng số lao động được trả lương và trả công nhưng lại chiếm tới 64% trong tổng số lao động trong gia đình không được trả công; 31,4% trong tổng số lao động được trả lương làm việc theo hợp đồng miệng hoặc không hề có hợp đồng. Tỷ lệ này ở nam giới và nữ giới là như nhau nhưng tỷ lệ lao động nữ không có hợp đồng cao hơn so với lao động nam (24,4% đối với nữ giới và 16% đối với nam giới)(4).
Những yếu tố căn bản hạn chế tính bền vững và tính bao trùm của tăng trưởng còn thể hiện ở việc tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành và các địa phương. Hơn nữa việc làm và sinh kế là những phương tiện quan trọng hàng đầu để người dân tham gia vào nền kinh tế. Tăng trưởng việc làm so với tăng trưởng GDP còn thấp, thậm chí suy giảm.
Các chênh lệch lớn về nắm giữ tài sản, trong đó có đất đai và tiếp cận bất bình đẳng tới các hàng hóa và dịch vụ có chất lượng như giáo dục, y tế, tín dụng, hạ tầng cơ sở và bảo trợ xã hội đã ngăn cản người nghèo tham gia đầy đủ vào hưởng lợi từ tăng trưởng, do đó làm nghiêm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Tiếp cận y tế và loại hình dịch vụ được hưởng có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Hiện vẫn còn khoảng 34 triệu người chưa được hưởng bất kỳ loại hình bảo hiểm y tế nào, trong đó đa số tập trung ở nhóm cận nghèo, nông dân, người phụ thuộc của lao động, lao động hợp tác xã và lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Thêm vào đó, các hộ giàu hơn được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn so với hộ nghèo.
Bản chất của quá trình toàn cầu hóa và sự dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu cũng là một yếu tố hạn chế tính bao trùm. Quá trình này có thể có những tác động bất lợi đến phân bổ thu nhập, như: tiến bộ công nghệ thường tạo ra những thay đổi cơ cấu có lợi cho những người có học vấn, do đó sẽ nới rộng khoảng cách thu nhập giữa lao động có tay nghề và lao động chưa qua đào tạo.
Khoảng cách nông thôn - thành thị có thể sẽ trầm trọng hơn khi các thành phố tận dụng tính kinh tế theo quy mô. Sự phân bổ nguồn vốn không bình đẳng ban đầu cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, bởi lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư có thể tăng nhanh hơn lợi nhuận thu được từ lao động với kỹ năng thấp.
Một số giải pháp để thực hiện mô hình tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam
Một là, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới
Phải chọn được ngành có lợi thế, chứ không phải chỉ chọn ngành phát triển đều theo mô hình “quả mít” như trước; sau đó, phải tập trung xây dựng được chuỗi giá trị, phải tổ chức ngành hàng có cơ sở hạ tầng kèm theo dịch vụ, kèm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, có hoạt động thêm giá trị mới.
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, cần cân nhắc để ban hành chính sách cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực và trên thế giới; quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới, như là địa bàn đột phá trong phát triển kinh tế.
Nghiên cứu để sớm hình thành một số khu liên kết kinh tế xuyên biên giới quốc gia với một số nước láng giềng; hình thành các cặp cửa khẩu để gia tăng hợp tác kinh tế có hiệu quả.
Đối với các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, cần có chính sách nhằm hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội; làm rõ chức năng bảo tồn sinh thái, gìn giữ văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, để từ đó có những chính sách tích hợp tổng thể đặc thù cho vùng đảm bảo các chức năng trên.
Hai là, phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao, bảo đảm tối đa hóa tác động phát triển của các nguồn lực quốc gia
Để thực hiện được điều đó, các chính sách kinh tế vĩ mô cần hướng tới mục tiêu tạo lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn và bình đẳng, thay vì kích thích tăng trưởng thông qua ưu đãi hỗ trợ, vừa lãng phí, thiếu hiệu quả, vừa gây méo mó thị trường, phân bổ sai nguồn lực và can thiệp thái quá vào nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ nên tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị của đồng tiền Việt Nam (VND) và tăng sức cạnh tranh của hệ thống tài chính ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng...
Chính sách tài khóa cần giảm gánh nặng nộp ngân sách nhà nước về mức hợp lý trên nguyên tắc bình đẳng, tăng khả năng tích lũy cho nền kinh tế, đồng thời kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công thông qua siết chặt kỷ luật tài khóa.
Chính sách giá cả cần hoạch định và thực thi trên nguyên tắc và phù hợp với quy luật thị trường đầy đủ và hiện đại đi đôi với chính sách đầu tư thông thoáng, giảm đến mức thấp nhất các rào cản hành chính trong tiếp cận và rời bỏ thị trường. Chính sách bảo vệ môi trường phải ngăn chặn kịp thời tình trạng hy sinh môi trường cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Để tiếp tục hoàn thiện mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình cao trong phân bổ và quản lý các nguồn lực công, cần công bố dự thảo dự toán trình Quốc hội rộng rãi trên cổng thông tin điện tử; đồng thời, Chính phủ cần công bố báo cáo kiểm toán đúng hạn; xây dựng báo cáo giữa kỳ đúng, đủ và công bố đúng thời hạn và tăng cường sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng ngân sách nhà nước; cần thiết lập cơ chế để các cơ quan của Chính phủ và công chúng trao đổi quan điểm, thảo luận về các vấn đề ngân sách trong quá trình xây dựng ngân sách nhà nước; hay thiết lập và thực hiện cơ chế giải trình công khai giữa cơ quan lập pháp và người dân hoặc đại diện các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng và phê duyệt ngân sách...
Ba là, cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm như là một phần hữu cơ trong chiến lược tăng trưởng của đất nước
Để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ cần ưu tiên ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp chính là chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao, chưa chú trọng đào tạo lại và đào tạo nâng cao.
Nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). TFP phản ánh kết quả sản xuất do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động dựa vào đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động. TFP ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Năm 2017, đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP ước đạt 44,13%, cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%). Do vậy, trong thời gian tới, cần quan tâm nâng cao yếu tố TFP.
Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao, bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.
Đồng thời, nghiên cứu thành lập ủy ban tư vấn kỹ thuật bao gồm các chuyên gia công nghiệp, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp của Việt Nam để xác định các doanh nghiệp của Việt Nam so với các doanh nghiệp đang ở tuyến đầu công nghệ và các biện pháp hỗ trợ về mặt thể chế. Ủy ban này thường xuyên thẩm định các mục tiêu chính sách so với mục tiêu đuổi kịp và nhảy vọt về công nghệ trong các thị trường hiện có và thông qua liên kết các thị trường một cách sáng tạo.
Chủ động hội nhập quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Bốn là, thực hiện cải cách mạnh hệ thống giáo dục, đào tạo để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Công nghệ và con người là hai yếu tố then chốt nhất trong các mô hình tăng trưởng nội sinh. Khác với các yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên) luôn bị ràng buộc bởi trần giới hạn thì hai yếu tố này có thể tăng lên không bị chặn bởi trần và do vậy là chìa khóa để cho các quốc gia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, đây là những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của các quốc gia thành công.
Do đó, cần có chiến lược giáo dục - đào tạo theo hướng: Hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành khoa học và công nghệ (STEM) bằng các thể chế và chính sách hiệu quả; Tăng cường quảng bá để nâng cao nhận thức lớp trẻ, hướng sinh viên vào học các ngành STEM; Nuôi dưỡng các kỹ năng STEM từ nhỏ, bắt đầu từ cấp mẫu giáo bằng các phương thức giảng dạy phù hợp như câu lạc bộ robots; Học tập các nước tiên tiến trong việc đưa lập trình vào chương trình học từ những lớp dưới; Khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên Internet; Thay đổi căn bản cách học tập và giảng dạy tiếng Anh ở trong nhà trường với những chỉ tiêu giám sát kết quả cụ thể; Có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục đào tạo gắn kết với nhau để thu hẹp khoảng cách kỹ năng của sinh viên mới ra trường, qua đó giúp họ rút ngắn thời gian tìm việc phù hợp với chuyên môn và các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và giảm chi phí tuyển dụng.
Năm là, xây dựng một hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại
Cần xác định trợ giúp xã hội là bảo đảm thực hiện quyền cho đối tượng hưởng trợ giúp xã hội chứ không phải là hoạt động nhân đạo. Chính sách trợ giúp xã hội là biện pháp, công cụ tác động để thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn cuộc sống cho bộ phận dân cư không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, chính sách trợ giúp xã hội dựa trên vòng đời sẽ bảo đảm sự thống nhất, hài hòa với các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Trợ giúp xã hội là một bộ phận của chính sách kinh tế - xã hội, do vậy quá trình hoàn thiện và phát triển phải dựa trên cơ sở của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
_______________________
(1) Bài toán tăng trưởng bao trùm và bất bình đẳng, tuoitre.vn
(2) Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015: Nửa chặng đường nhìn lại, Báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện tháng 9-2013, trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực xây dựng các chính sách phát triển con người ở Việt Nam (HDPM) do UNDP tài trợ.
(3) Báo cáo “Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Chính phủ Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới công bố năm 2017.
(4) Báo cáo của Ngân hàng thế giới “Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”, Hà Nội, 2014, tr.29-30.