Diễn biến kinh tế thế giới và giải pháp điều hành vĩ mô cho những tháng cuối năm 2018
Trong những tháng cuối năm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ là một thử thách lớn đối với năng lực điều hành và cải cách kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có cách điều hành chính sách phù hợp để có thể đạt những mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Kế tiếp đà tăng trưởng khởi sắc của năm 2017 cùng những biến động tích cực từ nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã khởi đầu 7 tháng đầu năm 2018 với mức tăng trưởng ấn tượng cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Kinh tế Việt Nam đã khởi đầu 7 tháng đầu năm 2018 với mức tăng trưởng ấn tượng cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng tích cực
Tình hình kinh tế thế giới 7 tháng đầu năm 2018 nhìn chung tích cực, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Trong tháng 07/2018, các tổ chức quốc tế có uy tín, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục giữ nguyên mức dự báo hồi đầu năm rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,9% năm 2018 và 2019.
Tốc độ tăng trưởng dường như đã đạt đỉnh điểm ở một số nền kinh tế lớn và không đồng đều giữa các nước; rủi ro suy giảm vẫn hiện hữu trong 2 năm tới khi nhiều nền kinh tế lớn có dấu hiệu giảm tốc; tình hình căng thẳng địa chính trị và xung đột thương mại vẫn còn gay gắt.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II/2018 được Bộ Thương mại vừa công bố đạt mức 4,1%, là tốc độ tăng trưởng quý nhanh nhất trong gần 4 năm qua, kể từ quý III/2014 (4,9%). Bên cạnh thành quả cao của quý II/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh mức tăng trưởng của quý I/2018 từ 2% lên 2,2%. Từ năm 2012 đến 2017, kinh tế Mỹ phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 2,2%, cũng kể từ năm 2015, tăng trưởng GDP của Mỹ đã không vượt lên mức 3%, nhưng các nhà kinh tế dự báo rằng trong năm nay sẽ đạt mục tiêu.
Tổng thống Donald Trump lúc tranh cử đã hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại với mức 4%/năm, điều chưa từng xảy ra trong 13 năm trở lại đây. Kết quả của quý II/2018 cũng được xem là tuyên bố chiến thắng từ các chính sách, mà ông đưa ra và ông đã giữ lời. Quý II/2018 là quý thứ 2 liên tiếp lạm phát đạt hoặc vượt mục tiêu 2% và có khả năng giúp Fed tiếp tục kế hoạch tăng dần lãi suất vào những tháng cuối năm 2018.
Kinh tế châu Âu chững lại, đồng thời phải đối mặt với nhiều khó khăn (khủng hoảng người tị nạn, căng thẳng thương mại trực tiếp và gián tiếp từ Mỹ, vấn đề Brexit...), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch kết thúc gói kích thích kinh tế (chương trình mua tài sản) quy mô 2,6 nghìn tỷ Euro vào tháng 12/2018 và sẽ giữ mức lãi suất thấp kỷ lục của họ “suốt mùa hè năm 2019”… Tăng trưởng nền kinh tế khu vực đồng Euro được IMF dự báo sẽ giảm dần từ 2,4% trong năm 2017 xuống còn 2,2% năm 2018 và xuống 1,9% năm 2019.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã được điều chỉnh giảm xuống còn 1,0% cho năm 2018 (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 04/2018) do sự suy giảm trong quý đầu, xuất phát từ tiêu dùng tư nhân và đầu tư yếu hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật dự báo sẽ tăng cao hơn trong thời gian còn lại của năm và sang cả năm 2019, được hỗ trợ bởi tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ hơn, nhu cầu bên ngoài và đầu tư.
Các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang trong đà tăng trưởng mạnh, ở mức 6,5% trong 2 năm 2018 và 2019. Kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ suy giảm kể từ quý II/2018, mặc dù vẫn ở tăng ở mức 6,7%, giảm nhẹ so với mức 6,8% của quý I trước đó; tỷ lệ dữ trự bắt buộc được cắt giảm 0,5% nhằm bơm thêm vốn hỗ trợ nền kinh tế (khoảng 700 tỷ NDT), tăng trưởng được IMF dự báo sẽ là 6,6% vào năm 2018 và 6,4% vào năm 2019, do việc thắt chặt tài chính và giảm cầu bên ngoài.
Tăng trưởng của Ấn Độ dự kiến đạt 7,3% trong năm 2018 và 7,5% trong năm 2019, do thay đổi chính sách tiền tệ và thuế. Dự báo của Ấn Độ lần lượt là thấp hơn 0,1 và 0,3 điểm phần trăm đối với năm 2018 và 2019, so với dự báo tháng 04/2018. Tăng trưởng các nền kinh tế trong nhóm ASEAN-5 dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 5,3% do nhu cầu trong nước vẫn mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi.
Xung đột thương mại leo thang
Căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn gay gắt, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên một cấp độ mới. Ngày 06/07/2018, Chính quyền Mỹ đã chính thức áp thuế bổ sung 25 điểm phần trăm đối với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tập trung vào các sản phẩm thuộc Chương trình “Made in China 2025”, có kế hoạch nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 10% lên 25%, và đe dọa sẽ mở rộng diện áp thuế lên tới 500 tỷ USD (tương đương tổng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc năm 2017) nếu Trung Quốc có động thái trả đũa. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 25% với 659 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ (trị giá khoảng 50 tỷ USD) trong lĩnh vực nông nghiệp như đậu tương, bông gạo, lúa, miến, thịt bò, thịt lợn, sữa, các loại hạt…
Đầu tháng 8, chính quyền Trump xem xét kế hoạch nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 10% lên 25% (gồm rau, trái cây, túi xách, và tủ lạnh) có thể có hiệu lực từ đầu tháng 9, và đe dọa sẽ mở rộng diện áp thuế lên tới 500 tỷ USD (tương đương tổng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc năm 2017) nếu Trung Quốc có động thái trả đũa.
Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 25% với 659 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ (trị giá khoảng 50 tỷ USD) trong lĩnh vực nông nghiệp, như: đậu tương, bông gạo, lúa, miến, thịt bò, thịt lợn, sữa, các loại hạt… Diễn biến tiếp theo, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) vừa công bố ngày 07/08/2018 rằng, từ ngày 23/08/2018, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với danh sách 279 dòng sản phẩm bị đánh thuế, trong đó có xe gắn máy, đồng hồ tốc độ, ăng-ten...
Động thái mới của Washington này nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc ngay sau đó, ngày 08/08/2018 đã tuyên bố, sẽ bắt đầu áp thuế suất 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ ngay sau khi Mỹ đánh thuế hàng hóa Bắc Kinh với giá trị tương đương.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU và Canada cũng chưa hạ nhiệt. Với EU và một số đối tác khác, Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada, Mexico; áp dụng hạn ngạch đối với: Hàn Quốc, Argentina, Úc và Brazil; đe dọa tăng thuế đối với lượng ôtô và phụ tùng của EU trị giá 275 tỷ USD. EU đã áp thuế một số nhóm hàng của Mỹ trị giá 3,4 tỷ USD; khởi kiện Mỹ ra WTO; đe dọa áp thuế hàng hóa Mỹ trị giá 294 tỷ USD nếu Mỹ áp thuế đối với ôtô của EU.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 20, diễn ra ở Thủ đô Bắc Kinh đầu tháng 07/2018, đã nhất trí hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu, đảm bảo thương mại đa phương không bị gián đoạn đột ngột.
Một diễn biến căng thẳng khác, ngày 07/08/2018, Mỹ chính thức tái khởi động các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn lên Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5 vốn được Tehran ký với nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức); đồng thời tuyên bố nhiều biện pháp khác sẽ được áp dụng trong tương lai. Trung Quốc và Nga đều không ủng hộ nỗ lực tái áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Iran của Mỹ khi cả Bắc Kinh và Moscow đang tìm cách gia tăng thương mại và ảnh hưởng ở Trung Đông. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Iran có thể sớm đẩy giá dầu thế giới lên ngưỡng 90 USD/thùng, trong bối cảnh thị trường gia tăng nỗi lo về nguy cơ xảy ra một cú sốc nguồn cung.
IMF đánh giá, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra “chiến tranh thương mại toàn diện” thì GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5%, tương đương thiệt hại 430 tỷ USD.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc làm gia tăng rủi ro nền kinh tế toàn cầu.
Gia tăng rủi ro trong kinh tế toàn cầu
Những tháng cuối năm 2018 đang tiềm ẩn những rủi ro gây bất lợi cho nền kinh tế thế giới, trong đó chiến tranh tiền tệ và thương mại đang dần hiện hữu và đáng lo ngại. Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp làm chậm tăng trưởng tín dụng, thiếu phối hợp với quản lý tài chính có thể có những hậu quả không mong muốn, mất trật tự tài sản tài chính, tăng nguy cơ tái đầu tư và dẫn đến các tác động tiêu cực mạnh hơn dự báo.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm xuống thấp nhất trong năm là 6,8 NDT/USD. Tỷ giá đồng NDT giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố không có ý định phá giá đồng NDT để thúc đẩy xuất khẩu. Nỗi lo chiến tranh thương mại đã khiến chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong những tháng gần đây. Từ đầu năm, đồng NDT đã giảm giá 5% so với USD, trong khi chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc giảm 17%.
Kỳ vọng khó lường của giới đầu tư đối với việc tăng lãi suất của Mỹ có thể đẩy đồng USD tăng giá, kích hoạt “đảo chiều” vốn ra khỏi các nền kinh tế đang nổi, tăng rủi ro tài chính – tiền tệ một số nước, nhất là những nước có hệ tài chính yếu, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao và áp dụng tỷ giá cố định. Có thể thấy, thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động mạnh và trên diện rộng do gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt.
Giá hàng hóa thế giới tăng nhẹ. Giá dầu thế giới biến động liên tục và giữ xu hướng tăng đến cuối năm 2018 được hỗ trợ bởi: (i) Tình hình căng thẳng tại Trung Đông; (ii) Nhu cầu tiêu thụ tăng; và (iii) Nhiều rủi ro với nguồn cung. Giá vàng thế giới giảm mạnh trong bối cảnh FED có thể tiếp tục tăng lãi suất và xu hướng trú ẩn vào đồng USD rõ nét hơn do lo ngại về chiến tranh thương mại.
Dự báo tình hình trong nước
Tình hình kinh tế trong nước, sau 6 tháng khởi đầu thuận lợi, tăng trưởng GDP ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ 2011. Đây là nền tảng thuận lợi, giúp giảm áp lực điều hành trong những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018. Những yếu tố tích cực đối với tăng trưởng những tháng cuối năm như:
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ 3 khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng; tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,3% - mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ năm 2010.
Thứ hai, nhiều ngành kinh tế lớn đang vào chu kỳ tăng trưởng, như: (i) Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm; (ii) Nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện; (iii) Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện.
Thứ ba, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, các thủ tục về cấp phép kinh doanh và điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa. Tính đến hết quý II/2018, có 738 điều kiện kinh doanh/hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ hoặc sửa đổi, đơn giản hóa. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cũng được giảm thiểu. Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi hơn 40 thông tư cắt giảm phí và lệ phí. Các thông tư này dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay, hy vọng rằng năm 2018 sẽ có thêm nhiều chương trình hành động cụ thể nữa để giảm các chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, năm 2018 cũng là thời điểm Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg, ngày 18/05/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với với doanh nghiệp được thực hiện và có tác động ngay.
Thứ tư, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán ký kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018:
Một là, về giá hàng hóa và sức ép lạm phát: Giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới dự báo tăng cao (theo dự báo của WB, giá dầu thô sẽ tăng mạnh 32,6%, giá hàng hóa không tính giá năng lượng tăng 5,1% trong năm 2018).
Ở trong nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình, giá các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu đầu vào cơ bản tăng gây khó khăn hơn cho các ngành sản xuất, cùng với áp lực tăng tỷ giá VND/USD... khiến cho áp lực lạm phát của ta có dấu hiệu tăng cao trở lại.
Hai là, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.
Mới đây, ngày 07/6/2018, Indonexia đã quyết định áp thuế tôn màu của Việt Nam trong vòng 5 năm tới với mức thuế từ 12,01%- 28,49%, trong khi Mỹ cũng đang áp thuế bán phá giá với mặt hàng cá phi-lê Việt và 2 mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam và Ủy ban châu Âu cũng đang áp thẻ vàng đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Ba là, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR…) để hạn chế thiệt hại.
Trung Quốc và Mỹ là 2 đối tác kinh tế quan trong hàng đầu của Việt Nam nên việc thực thi các biện pháp bảo hộ thương mại của 2 nước này sẽ tác động đến Việt Nam, trực tiếp là đầu tư và xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trước đó, đồng thời dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, và thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp vẫn là những ấn số cho thị trường ngoại hối những tháng cuối năm.
Bốn là, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bức tranh tăng trưởng chung, xu thế tích cực là chủ đạo, nhìn chung, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm của Việt Nam tiếp tục tích cực, những nỗ lực cải cách phát triển trong thời gian qua được các tổ chức quốc tế nhìn nhận, đánh giá cao.
Trong năm nay, cũng như trong trung và dài hạn, kinh tế Việt Nam hứa hẹn cả những cơ hội và thách thức đan xen. Một số dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 có thể đạt 6,85%, có năm đạt trên 7%. WB dự báo GDP Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 6,8%, lạm phát sẽ ở mức quanh mục tiêu 4%; ADB cũng giữ mức nguyên mức dự báo GDP năm 2018 là 7,1%.
Một số dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 có thể đạt 6,85%
Một số lưu ý trong điều hành vĩ mô
Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước 7 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến tích cực, tuy nhiên những cảnh báo về sức ép của lạm phát, tỷ giá hối đoái, rủi ro về thiên tai do diễn biến thời tiết, khí hậu bất thường và những hệ quả của xu thế bảo hộ mậu dịch cũng như những biến động về địa chính trị, chiến tranh thương mại, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn... vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ và dự kiến những đối sách phù hợp.
Chính phủ vẫn luôn ý thức được những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là sự tăng trưởng bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển nhanh, bền vững.
Một số giải pháp khuyến nghị Chính phủ, định hướng chỉ đạo, điều hành trong ngắn hạn tập trung vào một số nội dung sau:
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính; nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
- Chủ động nghiên cứu, rà soát các hàng hóa Mỹ và Trung Quốc dự kiến áp thuế để tranh thủ thúc đẩy xuất khẩu vào 2 thị trường này. Tăng cường quản lý thị trường, kiên quyết chống gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa, hạn chế tối đa khả năng bị các doanh nghiệp quốc tế lợi dụng Việt Nam để “đầu tư trung gian”, “trung chuyển”, “lẩn tránh” thuế cao nhằm tránh rủi ro bị các nước, nhất là Mỹ đưa vào đối tượng xem xét, rà soát thương mại, áp thuế phòng vệ.
- Duy trì bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018: cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, một số hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố, như: giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng lương cơ bản của các đối tượng hưởng ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng. Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá cần được thực hiện một cách minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt. Tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm.
- Đối với điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Điều hành tỷ giá linh hoạt, theo sát các biến động thị trường. Tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá.
- Đối với điều hành ngân sách nhà nước: Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tăng cường chặt chẽ kỷ luật chi ngân sách nhà nước, nhất là chi hội họp, đi nước ngoài. Linh hoạt trong phát hành trái phiếu chính phủ. Cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực tư nhân. Đánh giá tác động của việc sửa đổi các luật thuế, kèm với giải trình về định hướng tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh giảm bội chi ngân sách dựa nhiều hơn nữa vào tăng thu ngân sách qua chống thất thu thuế.
- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Phải đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn được thuận lợi và nhanh hơn, thủ tục vay vốn ngân hàng cần đơn giản, thông thoáng hơn. Ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch. Khẩn trương tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút FDI, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược FDI cho phù hợp với tình hình mới.
- Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới, tăng cường công tác xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Tranh thủ xu hướng các nước đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu tác động xung đột thương mại để sớm thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sớm ký và phê chuẩn FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA); tích cực hợp tác và vận động EU sớm gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018). Báo cáo tình hình thực hiện Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018
2. Tổng cục Thống kê (2018). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018
3. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (2018). Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018
4. Nguyễn Đình Cung (2018). Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 08/2018
5. IMF (2018). World Economic Outlook 2018, tháng 04/2018
6. UNCTAD (2018). World Investment Report, tháng 06/2018
7. World Bank (2018). Global Economic Prospects: The Turning of the Tide, tháng 06/2018