Tăng trưởng của Singapore năm 2022 thấp hơn kỳ vọng
Ngày 13/2, Bộ Công Thương Singapore (MTI) công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2022 ở mức 3,6%, thấp hơn so với số liệu ước tính ban đầu là 3,8% được đưa ra hồi tháng 1. Con số này cũng giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 8,9% của năm 2021.
Theo MTI, trong năm 2022, GDP của Singapore tăng trưởng chủ yếu là nhờ các ngành thương mại bán buôn, chế tạo sản xuất và các ngành dịch vụ.
Trong năm 2023, MTI cũng dự báo tăng trưởng của nước này sẽ ở mức 0,5 - 2,5% và dự kiến sẽ được thúc đẩy bằng các ngành dịch vụ, trong đó có hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ giải trí.
MTI nhận định tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện do việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch COVID-19 nhanh hơn kỳ vọng. Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa hoàn toàn sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn yếu trong bối cảnh các điều kiện tài chính bị thắt chặt.
Theo đánh giá của Cơ quan Doanh nghiệp Singapore (EnterpriseSG), xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) của nước này năm 2022 chỉ đạt mức tăng trưởng 3%, sụt giảm đáng kể so với mức 12,1% của năm 2021. EnterpriseSG duy trì mức dự báo tăng trưởng từ -2% đến 0% cho cả xuất khẩu NODX và ngành thương mại hàng hóa của Singapore trong năm 2022.
Lạm phát tại Singapore hiện đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm. Lạm phát tiếp tục xu hướng gia tăng trong bối cảnh những bất ổn từ căng thẳng địa chính trị, giá hàng hóa toàn cầu cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Để chống lạm phát Ngân hàng Trung ương Singapore đã và đang thắt chặt chính sách tiền tệ và cảnh báo việc duy trì đồng đô la Singapore mạnh cũng có nguy cơ làm chậm lại nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng RHB của Singapore, ông Barnabas Gan dự đoán Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng 4 tới đây trong bối cảnh lạm phát cao được dự đoán sẽ kéo dài cho đến năm sau.
Lạm phát tổng thể của Singapore được dự báo ở mức 4,5 - 5,5% năm 2023, trong khi lạm phát cơ bản được dự báo ở mức 2,5 - 3,5% sau khi loại trừ tác động của việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và MTI cũng cảnh báo về những rủi ro có thể khiến tỷ lệ lạm phát ở mức cao “dai dẳng hơn dự kiến”. Một rủi ro là những cú sốc mới đối với giá cả hàng hóa. Nhiều nhà kinh tế cho rằng khả năng xảy ra điều này là rất cao, đặc biệt sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, MAS và MTI vẫn lạc quan hơn về nửa cuối năm nay. Theo các cơ quan này, tình trạng thắt chặt thị trường lao động trong nước sẽ giảm bớt và lạm phát toàn cầu sẽ ở mức vừa phải, từ đó góp phần giảm nhẹ lạm phát của Singapore./.