Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm và những tác động đối với Việt Nam
Sau ba thập niên tăng trưởng ở mức hai con số, kinh tế Trung Quốc đang bước vào chu kỳ giảm tốc. Sự đổi thay đó đang có những tác động không nhỏ tới phần còn lại của thế giới nói chung và đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu, chúng ta phải sớm có những đối sách để ứng phó, giảm thiểu sự lệ thuộc và phát triển bền vững trong tương lai.
Kinh tế Trung Quốc và nguy cơ “hạ cánh cứng”
Kinh tế Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2016 đã đón nhận khá nhiều tin tức không mấy khả quan. Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu của nước này liên tục sụt giảm trong tháng 1 và tháng 2/2016.
Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 1 và 2/2016 (tính theo USD) giảm 11,2% và 25,4 % so với cùng kỳ năm 2015. Nhập khẩu cũng giảm liên tiếp với mức giảm 18,8% và 13,8. Xuất khẩu sụt giảm cho thấy, đợt phá giá nhân dân tệ (NDT) hồi tháng 8/2015 vẫn chưa thể nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đến tháng 3/2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trở lại làm dấy lên hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 mặc dù tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính cả quý I/2016, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc lần lượt giảm 9,6% và 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại đạt 125,8 tỷ USD.
Từ tháng 1-3/2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,9% so với mục tiêu dự báo 3% của cả năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đón nhận những tín tức khả quan, khi GDP của nước này công bố trong quý I/2016 đạt 6,7% nằm trong mức mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 đến 7% do Trung Quốc đặt ra.
Chính phủ nước này đang cố gắng giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất tại các nhà máy công nghiệp nhưng phải đảm bảo không gây xáo trộn trong nền kinh tế cũng như cắt giảm quá nhiều việc làm.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2012. Thông cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy, PBOC đã phải bán USD khi NDT xuống thấp nhất 5 năm. Theo đó, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 3/2016 giảm xuống còn khoảng 3,2 nghìn tỷ USD…
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2016 được Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (10/2015) dự báo sẽ chậm lại và có nguy cơ “hạ cánh cứng”, do công suất dư thừa và nợ cao. Việc Trung Quốc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước và hệ thống tài chính tuân thủ các nguyên tắc thị trường sẽ là nhiệm vụ “đầy rủi ro” với “những thách thức chưa từng thấy”.
IMF (4/2016) dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đạt 6,5% trong năm 2016 giảm so với mức 6,98% của năm 2015. Tương tự, WordBank (1/2016) đã hạ dự báo về tăng trưởng của nước này cho năm 2016 từ mức 7% xuống còn 6,7%, do giá cả hàng hóa giảm mạnh và thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm.
Những tác động tới kinh tế Việt Nam
Là một nền kinh tế lớn với đóng góp 23% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có tác động rất lớn tới kinh tế thế giới. Với Việt Nam nằm ở vị thế ngay sát Trung Quốc, cho nên việc nước ta phụ thuộc và chịu tác động vào nền kinh tế Trung Quốc là điều khó có thể tránh khỏi. Như vậy, sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới nền kinh tế nước ta.
Dự báo về những diễn biến khó lường của kinh tế Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã xây dựng một nghiên cứu đánh giá về tác động đến Việt Nam. Theo nghiên cứu này, tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc giảm sút có tác động cả về mặt trực tiếp lẫn gián tiếp và cả tích cực lẫn tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
- Về mặt tích cực: Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn dẫn đến cầu hàng hóa trên thế giới sẽ giảm, từ đó tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam. Bên cạnh đó, những biến động trên thị trường chứng khoán và ngoại tệ Trung Quốc hiện nay có thể dẫn đến sự chuyển đổi danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư quốc tế trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Theo đó, một phần dòng vốn đầu tư tại thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các thị trường chứng khoán khác, trong đó có Việt Nam nhằm tìm kiếm một thị trường thay thế an toàn và tiềm năng hơn.
- Về mặt tiêu cực: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, trước hết có thể tác động đến thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo hướng giảm xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Chưa kể, khi tổng cầu suy yếu, năng lực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục dư thừa, do đó nước này buộc phải tìm cách để bảo hộ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu, trong đó có hàng nhập từ Việt Nam.
Tóm lại, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có tác động hai chiều tới nền kinh tế Việt Nam. Với việc mất giá của đồng NDT, chi phí nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc sẽ giảm, nhờ đó sản xuất nước ta sẽ có điều kiện hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, khi đồng NDT phá giá, các nhóm mặt hàng là nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu được nhập chủ yếu từ thị trường Trung Quốc sẽ càng ngày càng tăng, gây áp lực tăng nhập siêu.
Ứng phó với tác động từ kinh tế Trung Quốc
Để có thể ứng phó với tác động hai chiều, do sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đem lại, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần kịp thời có những điều chỉnh về chính sách, như vậy mới có thể giảm tối đa những tổn thất. Dự báo về những biến đổi của nền kinh tế Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu của BIDV cũng đã xây dựng 2 kịch bản về tác động của kinh tế Trung Quốc đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016. Cụ thể:
Kịch bản 1: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, NDT giảm giá tối đa 5% so với USD. Khi đó, tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,8%, lạm phát 2,5 - 3%, nhập siêu dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Thị trường ngoại hối có thể diễn biến khá ổn định, tỷ giá VND/USD tăng thêm khoảng 4%, dao động trong khoảng 22.500 - 23.400 VND/USD.
Kịch bản 2: Kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh, NDT giảm giá nhanh tới 7 - 8% so với USD. Khi đó, tăng trưởng của Việt Nam chỉ còn 6,5%, lạm phát rất thấp 1 - 1,5%. Nhập siêu nới rộng, đặc biệt là từ Trung Quốc, có thể lên đến 8 - 9 tỷ USD. Xuất khẩu gặp khó khăn, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc chịu tình trạng ép giá. Thị trường ngoại hối sẽ thường xuyên diễn biến căng thẳng, tỷ giá VND/USD có thể tăng mạnh khoảng 6%.
Nhìn nhận diễn biến tình hình suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã đề ra những giải pháp, chính sách kịp thời, hiệu quả làm giảm tới mức thấp nhất những ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc (như chính sách điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá).
Về tổng thể nền kinh tế nước ta vẫn đang kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ, tỷ giá đã ổn định trở lại, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn đảm bảo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, về lâu dài, việc suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ có những tác động nhất định đến tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục chủ động, đưa ra những giải pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đem lại từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.
Trước tiên là cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp đến là thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, hình thành các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu là đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như: dệt may, da giày, cơ khí… Đặc biệt, Việt Nam cũng cần tìm cho mình một hướng đi mới để dần từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Cập nhật tình hình kinh tế thế giới và một số vấn đề quốc tế nổi bật;
2. IMF. 2014. World Economic Outlook Update. July, 2014. International Monetary Fund: Washington DC. Table 1, Tr;
3. Các website: thuonghieucongluan.com.vn, vietnamfinance.vn, ncseif.gov.vn, vietnamnet.vn.