Tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu 5,8%, thậm chí có thể cao hơn
(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định như vậy khi chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10, ngày 29/10.
Kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá. Bên cạnh đó, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, sau 10 tháng nền kinh tế xuất siêu khoảng 1,87 tỷ USD; đặc biệt xuất khẩu khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có sự cải thiện đáng kể, tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI tháng 10 chỉ tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 2,36% so với cuối năm 2013 thấp nhất so với cùng kỳ 11 năm qua. Lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI tiếp tục có những chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế nước ta. Các tổ chức thế giới (IMF, WB) liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ở một số nền kinh tế lớn trong năm 2014.
Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN còn gặp nhiều khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức cao; tăng trưởng tín dụng tuy đã có những cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp; tổng mức bán lẻ có chuyển biến nhưng chậm…
Nợ công vẫn trong giới hạn an toàn, nợ xấu giảm mạnh
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, nợ công vẫn trong giới hạn an toàn. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, nợ công có xu hướng tăng là do gia tăng các khoản vay để đầu tư phát triển và chi trả nợ. Hiện nay, hơn 98% nợ công là để đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, nợ trong nước chiếm tỷ trọng lớn (51%) và có xu hướng tăng; nợ nước ngoài chiếm khoảng 49%, đa phần là vốn vay ODA.
Tuy nhiên, nợ trong nước thường có thời hạn ngắn và lãi suất cao hơn nên gây ra áp lực đối với cơ cấu thu chi ngân sách. Bên cạnh đó, thời gian qua, bội chi tăng do huy động nguồn thu cho ngân sách giảm đi, có nguyên nhân do tăng trưởng chậm và giảm thuế, phí để hỗ trợ DN trong khi chi cho con người (như tiền lương, an sinh xã hội…) vẫn tăng.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công để nâng cao hơn nữa tính an toàn, hiệu quả của nợ công.
Liên quan đến vấn đề nợ xấu, lãnh đạo NHNN cho biết, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đạt kết quả khả quan. Tính đến giữa tháng 9, nợ xấu của hệ thống TCTD là 5,43% và đến cuối năm 2015, có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu về mức 3%. (Số liệu được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ của NHNN diễn ra ngày 28/10 cho thấy, theo báo cáo của các TCTD, tính đến cuối tháng 9, nợ xấu chỉ là 3,88%).
Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8% có thể đạt được và nhiều khả năng có thể cao hơn; lạm phát được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu đề ra, khoảng 4%; đảm bảo các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi ngân sách. Kết quả này tạo nền tảng để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 (mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 trình Quốc hội là 6,2%), bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015...
Tuy vậy, trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra cho năm 2014 cũng như chuẩn bị tiền đề, điều kiện cho tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát nợ công, thu chi ngân sách và quyết liệt xử lý nợ xấu.
Về nợ công, Thủ tướng nêu rõ: Nợ công của quốc gia hiện trong giới hạn cho phép theo quy định của Chiến lược nợ công quốc gia (không vượt quá 65% GDP). Theo đánh giá, đỉnh nợ công quốc gia sẽ đạt mức 64,9% vào năm 2016 và giảm dần, đến năm 2020 chỉ còn 60,2%.
Bên cạnh đó tuyệt đại đa số nợ công (chiếm 98%) là để chi cho đầu tư phát triển, hoàn toàn phù hợp với chủ trương, định hướng và cơ cấu trong Chiến lược nợ công. Chính phủ cũng đảm bảo nguồn ngân sách để trả nợ mà theo quy định là không quá 25% tổng chi ngân sách và đến năm 2020 tỷ lệ huy động ngân sách để trả nợ là khoảng 19,5% tổng chi ngân sách.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung và dứt khoát kiểm soát nợ công theo Chiến lược đã đề ra, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép; đảm bảo chi, sử dụng tiền vay có hiệu quả; đảm bảo cân đối ngân sách dành cho trả nợ; cơ cấu lại nợ theo hướng lành mạnh hơn, để có các khoản vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, không làm thay đổi tổng nợ cũng như nghĩa vụ nợ.
Đồng thời Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong giới hạn cho phép (bằng 25% GDP). Thủ tướng cho biết sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài.