Tăng trưởng thặng dư thương mại sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng GDP

Theo Minh Ngọc/enternews.vn

VNDIRECT kỳ vọng thặng dư thương mại sẽ tăng 44% so với cùng kỳ lên 16,4 tỷ USD trong năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam, nhóm phân tích của VNDIRECT cho rằng, cuối tháng 7, Việt Nam đã hứng chịu đợt bùng phát Covid-19 thứ hai sau 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Chính phủ đã thực hiện các bước quyết liệt để hạn chế sự lây lan của vi rút, áp dụng các quy định nghiêm ngặt về việc cách ly xã hội tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất như thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. 

Tại các thành phố khác đã được xác nhận có xuất hiện một số ca lây nhiễm, chẳng hạn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chính quyền đã yêu cầu đóng cửa một số dịch vụ không thiết yếu trong cộng đồng.

Tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8/2020 giảm 2,7% so với tháng 7/2020
Tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8/2020 giảm 2,7% so với tháng 7/2020

Trong tháng 8/2020, cả hai lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp đều phải chứng kiến sự suy giảm. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8/2020 giảm 2,7% so với tháng 7/2020, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ (so với mức tăng 4,0% so với tháng 6/20 và tăng 6,2% so với cùng kỳ của tháng 7/2020).

Bên cạnh đó, chỉ số Quản trị mua hàng của Markit (PMI) tháng 8/2020 của Việt Nam giảm xuống còn 45,7 điểm (từ 47,6 điểm trong tháng trước), do nhu cầu sản phẩm công nghiệp chậm hơn (ở cả thị trường trong và ngoài nước), cũng như sự gián đoạn kéo dài của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ trong tháng 8/2020, chậm hơn so với mức tăng trưởng 1,1% tháng 7/2020 và mức tăng 7,2% trong tháng 6/2020.

Nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng GDP, Chính phủ đã tăng cường đầu tư công để chống lại sự suy giảm của những mảng tăng trưởng khác. Theo GSO, vốn giải ngân của nhà nước tăng 30,4% so với cùng kỳ lên 250,5 nghìn tỷ trong 8 tháng đầu năm 2020 (trên mức tỷ lệ 27,2% trong 7 tháng 2020 và 5,4% trong 8T19), tương đương với 50,7% kế hoạch cả năm đã được điều chỉnh.

VNDIRECT kỳ vọng đầu tư công sẽ được thúc đẩy trong những tháng tới do Chính phủ có kế hoạch thực hiện ba dự án thành phần trong Dự án Đường cao tốc Bắc Nam vào tháng 9/2020. Theo đó, xuất khẩu sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong tương lai.

Tăng trưởng thặng dư thương mại sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng GDP   - Ảnh 1VNDIRECT dự báo xuất khẩu năm 2020 sẽ tăng 1,7% so với cùng kỳ lên 268,6 tỷ USD

Về xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, tháng 8 ước tính tăng 6,5% so với tháng trước lên 26,5 tỷ USD (tăng 2,5% so với cùng kỳ), lập lên kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu hàng tháng. Xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 1,5% so với cùng kỳ lên 174,1 tỷ USD. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị xuất khẩu ước tính đạt 60,8 tỷ USD (tăng 15,3% so với cùng kỳ), trong khi đó giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giảm 4,5% so với cùng kỳ xuống 113,3 tỷ USD.

Về nhập khẩu, giá trị tháng 8 tăng 8,6% so với tháng trước lên 24,0 tỷ USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ). Tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng 2020 tại Việt Nam giảm 1,7% so với cùng kỳ xuống còn 163,2 tỷ USD bởi nhu cầu trong nước giảm do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dẫn đến thu nhập của người lao động giảm. Do đó, thặng dư thương mại 8 tháng năm 2020 tăng lên 10,9 tỷ USD so với mức thặng dư 5,4 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước và 8,4 tỷ USD trong 7 tháng năm 2020.

Dự báo xuất khẩu năm 2020 sẽ tăng 1,7% so với cùng kỳ lên 268,6 tỷ USD và nhập khẩu sẽ giảm 0,4% so với cùng kỳ xuống 252,2 tỷ USD. Vì vậy, nhóm phân tích VNDIRECT kỳ vọng thặng dư thương mại sẽ tăng 44% so với cùng kỳ lên 16,4 tỷ USD trong năm 2020.

Do đó VNDIRECT cho rằng, tăng trưởng thặng dư thương mại sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng GDP cả nước cũng như sức mạnh của Việt Nam đồng so với các tiền tệ khác.