Tiếp tục tạo mọi thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

Tuấn Phùng

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành Tài chính đã tăng cường đối thoại về chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Những nỗ lực đó đã góp phần quan trọng vào việc thu hút hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với ông Yamada Takio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ngày 16/9/2020. Ảnh: Đức Minh
Buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với ông Yamada Takio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ngày 16/9/2020. Ảnh: Đức Minh

Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vị thế trên trường quốc tế được nâng lên nhanh chóng. Đóng góp vào thành công đó phải kể đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản - những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào ngân sách, chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động,

Bộ Tài chính coi hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư là hoạt động thường xuyên, đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành Tài chính đã tăng cường đối thoại về chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu xét về đối tác đầu tư, trong 137 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam hiện nay, Nhật Bản đứng thứ hai với 4.586 dự án với gần 60,3 tỷ USD (chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư). Lũy kế 8 tháng đầu năm (tính từ ngày1/1/2020 đến ngày 20/8/2020), Nhật Bản đứng thứ tư với 196 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký đạt 1.649,90 triệu USD. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề đến kinh tế trong nước và quốc tế, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy dòng vốn từ doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 rất thành công bằng những biện pháp không chỉ về y tế mà còn cả về kinh tế. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư PPP với nhiều điểm mới, minh bạch, thuận lợi, ưu đãi đầu tư… Cùng với việc kí kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do, với 100 triệu dân có thu nhập ngày càng tăng, thị trường Việt Nam được kỳ vọng đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản.

Bên cạnh đó, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 sẽ đạt 1,8% giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, nhưng sẽ quay trở lại mức cao 6,3% trong năm 2021. Tăng trưởng kinh tế vẫn vững vàng trong năm 2020 phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. 

Hiện nay, Bộ Kinh tế và Thương mại Nhật Bản đang triển khai chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch dây chuyền sản xuất, phục vụ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nước ngoài, trong 30 doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ có 15 doanh nghiệp đang có dự án tại Việt Nam. Điều này là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Tại làm việc ông Yamada Takio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam hôm qua (ngày 16/9/2020), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính coi hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư là hoạt động thường xuyên, đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành Tài chính đã tăng cường đối thoại về chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.

"Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản trong khoảng tháng 11/2020, để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Trước đó, tại buổi làm việc, tọa đàm với các tổ chức kinh tế của Nhật Bản và 30 doanh nghiệp Nhật Bản có ý định mở rộng đầu tư vào Việt Nam chiều ngày 07/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên tầng cao mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam không nên thụ động ngồi chờ dòng vốn đầu tư nước ngoài đến, mà phải nghiên cứu kỹ chính sách của các nước để có bước đi phù hợp. Do vậy, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do một Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư, đối thoại, xử lý kiến nghị của các nhà đầu tư lớn đến Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo mở lại các chuyến bay thương mại tới một số nơi có hệ số an toàn cao, trong đó có Nhật Bản, với quy trình nhập cảnh rút gọn, thuận lợi, vừa bảo đảm an toàn chống dịch, vừa thuận lợi cho kinh doanh.