Kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2014:

Tăng trưởng thấp, thách thức nhiều

PV.

(Tài chính) Với chủ đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng khá thấp đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, đồng thời cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức của nước ta trong thời gian tới.

Điểm sáng đáng ghi nhận

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm cho thấy, kiềm chế lạm phát tiếp tục là điểm sáng đáng ghi nhận. Theo đó, CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2%, so với tháng 12/2013, CPI chỉ tăng 1,08%- thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay. Bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 4,72%- thấp hơn so với nhiều tháng trước. Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả này là tín hiệu khả quan để cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (7%), có thể còn tăng thấp hơn cả 2 năm trước (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%), thậm chí chỉ ở mức 5-6% như phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 đã đưa ra. Mới đây, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 cũng đưa ra mực dự báo lạm phát của cả năm 2014 khá lạc quan - thấp hơn so với năm trước, trong vùng dự kiến từ 4,76% đến 5,51%.

Tình hình xuất khẩu cũng rất lạc quan. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đã đạt 58,51 tỷ USD, cao hơn mức cả năm 2009 (57,1 tỷ USD). Mới qua 5 tháng, đã có 12 mặt hàng và 12 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Nhiều mặt hàng chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung, trong đó, một số mặt hàng vừa đạt quy mô lớn, vừa tăng khá cao, như điện thoại; dệt may; giày dép; thủy sản; cà phê; hạt tiêu… Theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đã xuất siêu 1,649 tỷ USD, cho thấy tín hiệu khả quan để cả năm vượt kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (10%), để có thể còn xuất siêu với mức xuất siêu lớn hơn 2 năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ năm 2014, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đã nâng lên một tầm cao mới và Việt Nam đang mở rộng giao thương với nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, nước ta sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU… từ đó giúp chúng ta mở rộng xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường khác. Đây là những cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh.

2 kịch bản cho tăng trưởng

Triển vọng kinh tế năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi nhất định, song sự phục hồi này chưa thực sự vững chắc. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 đã đưa ra dự báo khá bi quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, hai kịch bản dự báo được xây dựng cho thấy tăng trưởng của năm 2014 có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013 do chịu ảnh hưởng trong mối quan hệ kinh tế - chính trị với Trung Quốc. Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 4,88%.

Tăng trưởng thấp, thách thức nhiều - Ảnh 1
Nguồn: vepr.org.vn

Phải thừa nhận rằng, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách giữa phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp (DN) và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô, trong đó ổn định vĩ mô vẫn được coi là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.

Dù tiếp tục có thêm dự địa chính sách nhờ lạm phá tương đối thấp, song năm 2014, các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn rất đáng lo ngại. DN tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, cản trở sự phục hồi kinh tế. Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tình hình DN thành lập mới tháng 5/2014 cũng như số DN phải giải thể, ngừng hoạt động 5 tháng qua đang diễn biến tiêu cực. Cụ thể, tháng 5/2014, nước ta có 5.499 DN thành lập mới - giảm trên 25% so với tháng trước. Trong khi đó, số DN giải thể, dừng hoạt động tháng qua tính đến ngày 20/5 lên tới 6.713 DN - tăng 33% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, số DN thành lập mới đạt 31.228, số giải thể, dừng hoạt động là 27.867, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về tình hình hoạt động của cộng đồng DN, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thực tế năm 2014 cơ hội kinh doanh chưa nhiều trong bối cảnh nhiều DN vẫn gặp khó khăn. Những DN có cơ hội kinh doanh thì khó tiếp cận tín dụng, khiến cơ hội kinh doanh ít đi. 5 tháng đầu năm 2014 tín dụng mới tăng trên 1% so với mục tiêu 12 - 14% cả năm.

Đặc biệt trong năm 2014 xuất hiện mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, đe dọa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc với tư cách nước nhập khẩu ròng về nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, máy móc  và dịch vụ xây dựng, nhiều công trình năng lượng và hạ tầng, đồng thời là nhà xuất khẩu ròng nhiều mặt hàng nông nghiệp quan trọng nên quan hệ xấu đi giữa hai nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu Tổng Cục thống kê Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2013 đạt mức 50,2 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với thế giới. Hiện nay hai nước đang muốn thúc đẩy trao đổi thương mại, đạt mục tiêu 60 tỷ USD trong năm 2015.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế, mức tổng cầu trong nền kinh tế hiện nay vẫn còn yếu. Thứ hai là triển vọng kinh tế thế giới cũng có xu hướng phục hồi nhưng khá mỏng manh. Như vậy, yếu tố cầu trong nước và cầu nước ngoài yếu. Đây sẽ là những nhân tố tác động không thuận lợi đối với tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Quyết liệt đổi mới mô hình kinh tế

Trong thời gian tới, theo các chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, Việt Nam cần quyết liệt thay đổi mô hình kinh tế, con đường phát triển và thay đổi tư duy điều hành nền kinh tế. Giai đoạn kinh tế suy giảm vừa qua cho thấy nhiều bài học lớn, cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay, nhu cầu cải cách, giảm phụ thuộc càng rõ ràng hơn. Chẳng hạn như đối với xuất nhập khẩu, nước ta cần thay đổi về mặt cơ cấu cũng như chiến lược trong dài hạn hơn. Cần chủ động tìm nguồn hàng, nguồn nguyên liệu từ các nước trong khu vực ASEAN và Đông bắc Á trong xuất và nhập khẩu, thậm chí các nước trong khoảng cách địa lý xa hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể, cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đối với nhóm các chính sách hỗ trợ DN và phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, cần ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, nền tảng để nâng sức cạnh tranh hơn là các chính sách kích thích ngắn hạn hoặc các tuyên bố. Thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn. Chú trọng phân bổ nguồn lực, tạo dựng cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với kinh tế biển, cần hỗ trợ trực tiếp (sửa chữa, nguyên liệu) để người dân bám biển. Bổ sung các tàu lớn của quốc gia để hỗ trợ về hậu cần cho các đội tàu cá...

Đối với chính sách tỷ giá, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà cần một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cũng khuyến cáo, sau giai đoạn căng thẳng trên biển với Trung Quốc, nên có sự điều chỉnh tỷ giá vì điều kiện vĩ mô thuận lợi như hiện nay không có nhiều. Về giải quyết nợ xấu, cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đồng thời, duy trì tiến trình cổ phần hóa DNNN như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ để vừa cải thiện ngân sách, vừa thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế…