Tăng trưởng tín dụng 5 tháng thấp kỷ lục
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 29/5 là 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn nhiều những năm liền trước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại thị trường trong nước và quốc tế, cơ quan quản lý tiếp tục kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu trước đó, đảm bảo chất lượng tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp, đến ngày 29/5, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 1,96% so với cuối năm 2019. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
So với 2 năm liền trước, mức tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều lần. Trong đó, tín dụng nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng 5,74%; số tăng trưởng năm 2018 cũng là 6,16%...
Mức tăng trưởng tín dụng năm nay tương đương số dư nợ ngành ngân hàng giải ngân ra nền kinh tế sau 5 tháng đạt khoảng 160.600 tỷ đồng.
Tính bình quân, các ngân hàng đã giải ngân ra nền kinh tế trên 1.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Cũng trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam vẫn giữ chủ trương ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
Đến ngày 29/5, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm liền trước, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo.
Thông qua 2 đợt điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.
Trong đó, tháng 3 và tháng 5, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ cơ quan quản lý.
Mức trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng đã được giảm 0,6-0,75%/năm; giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm.
Với chính sách tỷ giá, dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn ổn định, thanh khoản tốt. Trong đó, các tổ chức tín dụng vẫn giữ mức mua ròng từ khách hàng.
Đến cuối tháng 5, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm.
Ngành ngân hàng cũng đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 và sớm trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.
Tính đến 25/5, tất cả tổ chức tín dụng bao gồm cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều đã tham gia vào việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trong đó, có hơn 224.000 người dân, doanh nghiệp, tổ chức với dư nợ hơn 152.000 tỷ đồng đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng. Doanh số cho vay mới lãi suất ưu đãi lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767.607 tỷ đồng với hơn 196.000 khách hàng. Trong đó, lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch.