Tăng trưởng tín dụng có đạt mục tiêu không?
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 3,52%, trong khi chỉ tiêu dự kiến cả năm là từ 12 - 14%. Cú cán đích ngoạn mục như năm 2013 có diễn ra trong những tháng còn lại của năm nay hay không?
Thực tế này đang tạo ra hai cách đánh giá khác nhau.
Với các chuyên gia ngoài ngành thì tăng trưởng tín dụng như vậy là đáng lo ngại, vì tốc độ chậm như thế phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, đồng cảm với lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều này đúng, nhưng không phải là hoàn toàn đáng lo. Vì nếu xét trong bối cảnh toàn diện của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay đang phản ánh thực chất hiện trạng nền kinh tế. Nếu như từ năm 2005, nhìn vào số lượng các doanh nghiệp mới ra đời sau sự cởi mở của Luật Doanh nghiệp, thì thấy số lượng doanh nghiệp mới ra đời tăng với tốc độ chóng mặt. Trong khi có một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn trong hoạt động, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Trong giai đoạn 2005 đến 2009 tăng trưởng tín dụng cao ngất ngưởng. Khi đó, cộng với chính sách nới lỏng tăng trưởng tín dụng, có lúc đã lên tới 30 - 35%/1 năm khiến cho dòng tiền từ ngân hàng chảy mạnh ra các vùng trũng tín dụng, nơi đã từng hàm chứa khá nhiều rủi ro, nhưng chỉ đến khi tỷ lệ nợ xấu tăng đến mức đáng lo ngại thì những vùng trũng này mới được nhận diện.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao mọi diễn biến của thị trường tiền tệ để linh hoạt điều chỉnh các công cụ điều hành như lãi suất, tỷ giá, tỷ trọng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng tùy theo sức khỏe của ngân hàng đó… Một mặt, kiên định giữ vững chất lượng tín dụng với những tiêu chí đánh giá chất lượng tín dụng được nâng lên theo hướng tiến tới những tiêu chí đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Đồng thời, tích cực tháo gỡ những ách tắc mang tính chủ quan của cả hai phía: ngân hàng - doanh nghiệp trong hoạt động tín dụng, để khơi thông dòng tín dụng lành mạnh. Thêm nữa, năm nay dù tín dụng tăng chậm nhưng nền kinh tế cũng đã nhận được một lực đỡ đáng kể từ Quốc hội khi chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu Chính phủ lên tới 300.000 tỷ đồng, đây là số tiền sẽ được đầu tư vào nền kinh tế theo nhiều kênh khác nhau. Còn về phía doanh nghiệp, sự thận trọng khi quyết định vay vốn ngân hàng cũng chứng tỏ họ đã trưởng thành lên nhiều từ những bài học đắt giá.
Đứng từ góc độ các ngân hàng thương mại, rõ ràng đây là giai đoạn sàng lọc quyết liệt đối với những ngân hàng tuân thủ nghiêm túc các quy định khắt khe của nghiệp vụ ngân hàng với các ngân hàng có chủ trương kinh doanh theo kiểu đánh quả. Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014 của một số ngân hàng vừa được công bố một lần nữa cho thấy điều này. Vietcombank có lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng, Vietinbank có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng... Điều dễ nhận thấy là những ngân hàng thương mại nào chú trọng phát triển công nghệ ngân hàng tiên tiến theo hướng giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng vốn, tuân thủ các quy định chặt chẽ của nghiệp vụ ngân hàng và chịu khó triển khai nhiều dịch vụ giá trị gia tăng nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn thay vì chỉ dựa quá nhiều vào hoạt động tín dụng, sẽ đạt hiệu suất kinh doanh cao.
Đối với ngân hàng thương mại, chấp nhận thực tế là tăng trưởng tín dụng chậm mà chắc còn hơn nhanh mà xổi như cách đây vài năm là một bài học kinh nghiệm xương máu đã được rút ra từ thực tiễn hoạt động những năm qua. Và thực tiễn cũng chứng minh bài học này: ngân hàng nào ít nợ xấu thì nay tăng trưởng lợi nhuận vẫn rất khả quan, bất chấp thực tế là nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Bởi thế, những bước chậm mà chắc hôm nay chắc chắn sẽ gây dựng sự khởi sắc cho những năm sau gặt hái thành quả. Điều này không chỉ có lợi cho riêng ngành ngân hàng mà còn có lợi cho cả nền kinh tế.