Tỉnh Gia Lai:
Tăng trưởng tín dụng gắn với tháo gỡ khó khăn cho khách hàng
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai đề ra mức tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2021 là 3% và nguồn vốn huy động tăng 18% so với cuối năm 2020. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh Gia Lai trong 9 tháng năm 2021 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn dư nợ gần 50.000 tỷ đồng; đầu tư máy móc, dây chuyền thiết bị dự án dư nợ gần 140 tỷ đồng; 5 nhóm ngành lĩnh vực kinh tế ưu tiên dư nợ gần 2.500 tỷ đồng; chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp dư nợ 4.160 tỷ đồng; cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch dư nợ gần 840 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Nghị - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình và thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Theo đó, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 25.170 tỷ đồng, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế 3.176 tỷ đồng/865 khách hàng. Tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi lũy kế là 32.205 tỷ đồng/18.144 khách hàng. Doanh số cho vay lũy kế đạt 18.156 tỷ đồng, dư nợ cuối kỳ là 6.303 tỷ đồng với 2.904 khách hàng.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, nhiều yếu tố tác động đến khả năng tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm. Đơn cử như: tỉnh Gia Lai đang tập trung tăng tốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; các loại cây công nghiệp chủ lực bước vào mùa vụ sản xuất chính; doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại dịch vụ chuẩn bị bước vào mùa cao điểm cuối năm...
Chị Trần Thị Hoàng Anh - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phương Di Gia Lai (TP. Pleiku) cho biết: “Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Công ty vẫn phát sinh doanh số đều đặn. Đối với thị trường cuối năm, Công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, thiết kế bao bì mẫu mã cho nhóm hàng quà tặng, nhóm hàng truyền thống nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng”.
Tương tự, trong tâm thế nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cuối năm, ông Phạm Sỹ Đặng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thắng Sỹ (huyện Chư Păh) bày tỏ: “Hiện nay, hầu hết công trình do Công ty đảm nhiệm thi công xây dựng đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ đầu tư. Đối với một số công trình còn lại, Công ty đang tập trung nhân lực, máy móc để tăng tốc thi công và hoàn thành đúng kế hoạch giao. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn giá tốt, được cấp hạn mức tín dụng nên Công ty chủ động, linh hoạt hơn trong thực hiện các phương án, kế hoạch kinh doanh”.
Căn cứ vào tình hình thực tế và sức hấp thu vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai đề ra mức tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2021 là 3% và nguồn vốn huy động tăng 18% so với cuối năm 2020, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%/tổng dư nợ.
Ông Phan Tiến Thu - Giám đốc Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai cho hay: “Tổng dư nợ của Chi nhánh đã giảm 7% so với đầu năm. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm khả năng dư nợ sẽ tăng trưởng trở lại bằng đầu năm do Chi nhánh đang tập trung đầu tư tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Agribank Chi nhánh Đông Gia Lai chủ động cân đối nguồn lực, tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn bằng chính sách giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện hữu, giảm một số khoản phí giao dịch. Tính từ ngày 17/5 đến đầu tháng 10/2021, Chi nhánh đã thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng với số tiền lãi được giảm là 43 tỷ đồng. Dự ước đến ngày 31/12/2021, tổng số tiền hỗ trợ giảm lãi suất là 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lý Anh Đào - Giám đốc SHB Gia Lai thông tin: “Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, Chi nhánh đang quay lại chu kỳ cho vay ngắn hạn để tận dụng ưu thế các gói tín dụng lãi suất tốt chỉ từ 6%/năm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt của Chi nhánh là tăng trưởng luôn đi đôi với chất lượng tín dụng, không chạy theo chỉ tiêu bằng mọi giá”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghị cho rằng: “Trong những tháng cuối năm 2021, các chi nhánh ngân hàng cần tập trung đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Tập trung đầu tư vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra”.