Tăng trưởng tín dụng quý II vẫn "đẹp" như dự báo?
Theo các chuyên gia kinh tế, tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II/2021 trong điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc tiêm vắc xin phát huy ngay hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 4 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, liệu tăng trưởng tín dụng còn “đẹp” như dự báo?
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo, tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại… và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2021.
Cầu vốn chưa bị ảnh hưởng
Đến thời điểm này, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, ngoại trừ Vietcombank được tăng trưởng tín dụng 10,5%, 3 ngân hàng còn lại có hạn mức 6 - 7,5%.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Agriseco cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành quý I/2021 đạt 2,93% so với đầu năm. Nhóm ngân hàng tư nhân như MSB, MB, Techcombank dẫn đầu về tăng trưởng cho vay khách hàng trong quý I, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh (ngoại trừ Vietcombank) có tăng trưởng tín dụng thấp hơn 2%.
Sang quý II, tăng trưởng tín dụng vẫn khả quan ở các ngân hàng. NHNN Chi nhánh TP. Hố Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020. Điều này cho thấy, dù dịch bệnh Covid-19 quay trở lại lần thứ 4, song nhu cầu vốn trên thị trường là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, đến 20/5, ngân hàng đã hoàn thành 53% kế hoạch tín dụng cả năm và nếu được NHNN giao chỉ tiêu 14% vẫn có thể thực hiện.
Hiện nay, đối tượng khách hàng cá nhân đã đóng góp 70% vào mức độ tăng trưởng tín của Vietcombank. Về khách hàng tổ chức, Vietcombank tập trung triển khai vào lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: năng lượng tái tạo; dệt may, da giày để phục vụ xuất khẩu, thương mại xăng dầu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng chậm. Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của Agribank tăng trưởng 1% (cùng kỳ năm 2020 giảm), huy động vốn tăng 1,7%.
Có thể hiểu, Agribank cũng không dám mạnh tay cho vay vì khó khăn lớn nhất của ngân hàng là vẫn trong tình trạng kẹt vốn. Mặc dù đầu năm nay, Agribank đã được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách, song cũng chỉ mới đạt trên 34.000 tỷ đồng - quá nhỏ so với tổng tài sản trên 1.570 nghìn tỷ đồng.
Mặt khác, vốn điều lệ tăng nhỏ giọt, quá chậm với tốc độ tăng tín dụng và tổng tài sản khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của Agribank liên tục sụt giảm. Hiện tại, hệ số CAR của Agribank vẫn đạt trên 9% song không bền vững do phụ thuộc vào phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.
Quan trọng là chất lượng tín dụng
Dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành và số các ca dương tính tăng, nhưng nhờ việc tiêm vắc xin đang triển khai rộng rãi trên cả nước, nên nhiều chuyên gia nhận định tín dụng vẫn tăng trưởng trong quý II.
Theo ông Tùng, một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng tín dụng cao của nền kinh tế cũng như của Vietcombank trong những tháng đầu năm chính là việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời triển khai tiêm vắc xin. Điều này rất quan trọng nhằm tạo sự yên tâm, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân cũng như của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số động lực khác có thể kể đến như: nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, dòng vốn đầu tư FDI, quy mô xuất nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Ngoài ra, không thể không kể đến việc giải ngân đầu tư công - những đồng vốn có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2021.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, tín dụng ngân hàng cả năm nay tăng khoảng 10-15% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Đồng thời, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.