Tăng trưởng tín dụng chuyển từ lượng sang chất
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có cố gắng cũng chỉ tăng 10%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tín dụng đã vượt dự đoán của các chuyên gia, và quan trọng nhất là theo hướng tăng trưởng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng đạt được tính đến 21/12/2020 tăng 10,14% so với cuối năm 2019 là con số hết sức tích cực và tín dụng trở thành điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm nay.
Lựa chọn "khẩu vị" thích hợp
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, dù tín dụng toàn nền kinh tế tăng chậm hơn các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng so với những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngày càng được cải thiện tích cực ở 2 tháng cuối năm.
Nếu như quý I, tín dụng tăng chậm (chỉ tăng 1,3% so với cuối năm 2019) thì sang quý II tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III khởi sắc tăng 6,08% và đến 21/12/2020 đã tăng 10,14%. Dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019.
Đánh giá về tình hình tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, diễn biến tín dụng thời gian qua phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ở Việt Nam tăng trưởng kinh tế thấp.
Do nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu nên dù lãi suất cho vay đang ở mức gần như thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tín dụng vẫn không thể tăng so với những năm trước. Tính đến tháng 11, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Đáng lưu ý, các chuyên gia đánh giá, ngoài những giải pháp điều hành tín dụng đúng, trúng mục tiêu của NHNN, thì vai trò của các ngân hàng thương mại cũng rất quan trọng. Trong đó, các ngân hàng đã biết lựa chọn “khẩu vị” thích hợp vào từng thời điểm.
Đầu năm, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đình trệ, ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhưng thời điểm này, khi dịch bệnh được khống chế, ngân hàng tập trung cho vay một số lĩnh vực tiềm năng có cơ hội tăng trưởng như hàng tiêu dùng, bán lẻ, điện mặt trời…
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tiết lộ, 2 tháng gần đây, ngân hàng tập trung tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi động lực đến từ khối này đang tăng mạnh nhờ Hiệp định EVFTA và Hiệp định RCEP vừa được ký.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021, NHNN định hướng điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Để tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong năm 2021, NHNN dự kiến tín dụng tăng 12%, phù hợp với diễn biến nền kinh tế và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân.
“NHNN kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng. Song song với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng sản phẩm, tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Nhất là tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cho vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh sau thiên tai, dịch bệnh”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Tăng trưởng nhờ chính sách nghịch chu kỳ
Những năm trước, mức tăng trưởng tín dụng đều trên khoảng 13%: năm 2017 tăng 18.17%, năm 2018 tăng 14%, năm 2019 đạt trên 13%. Bước sang năm 2020, mục tiêu NHNN đặt ra là tín dụng tăng từ 13 - 14%.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 11%. Như vậy, còn cách mục tiêu từ 2-3%.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, mục tiêu này đặt ra khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh hiện nay, con số tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 như vậy là rất tích cực chứ không phải là thấp.
Ông phân tích, nhìn vào số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 là 2,91%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,23%. Vì vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay sẽ đạt được, dự tính khoảng 3,5%.
Với những con số này, tăng trưởng GDP danh nghĩa vào khoảng 6,5%. Trong khi tăng trưởng tín dụng theo công bố mới nhất của NHNN lên tới 10,5%, tổng phương tiện thanh toán trên 12%.
“Như vậy, tuy tín dụng tăng thấp hơn so với năm 2019 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là thành công lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, ông Tuấn nói.
Hơn nữa, phải nhìn nhận một cách khách quan, khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế đi xuống, nhiều nước trên thế giới đều chuyển từ chính sách tài khóa và tiền tệ thuận chu kỳ sang chính sách nghịch chu kỳ để cứu nền kinh tế, tức là không thể "thắt lưng buộc bụng".
Tại Việt Nam, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ khá linh hoạt, rất chủ động trong việc thực hiện hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, nhiều ý kiến lo ngại đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn sẽ tạo ra hệ luỵ nợ xấu trong tương lai, nhưng NHNN đã làm rất tốt điều này để hạn chế rủi ro.
“Nguồn cung vốn từ ngân hàng thì rất sẵn sàng, nhưng người đi vay có đủ khả năng tiếp cận được hay không?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, thời điểm hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu đi vay. Nếu như những năm trước bán được một lô hàng, doanh nghiệp tái đầu tư nhưng bây giờ họ thấy triển vọng không tốt thì lại gửi vào hệ thống ngân hàng để chờ một cơ hội mới.
“Vì vậy, tăng trưởng thấp không phải vì cung không đáp ứng được mà liên quan đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh", ông Tuấn nhấn mạnh.