Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu nhưng cần hướng tới sự bền vững
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo dự phóng năm nay có thể đạt được như kỳ vọng, song các chuyên gia cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.
Trong 6 tháng cuối năm, hệ thống ngân hàng cần bơm thêm 1,18 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng tín dụng 15% vào cuối năm. Đây là một thách thức không nhỏ, nhất là từ bối cảnh kinh tế hiện tại và rủi ro từ các khoản vay dài hạn trong ngành bất động sản.
Tín dụng khởi sắc kéo lợi nhuận ngân hàng gia tăng
Quý I/2024, tăng trưởng tín dụng èo uột do cầu tín dụng yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn cùng căng thẳng địa chính trị leo thang, làm gia tăng rủi ro, và cũng do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ. Sang quý II, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc nhờ sự phục hồi của nền kinh tế dẫn tới nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất cũng như tiêu dùng tăng lên. Bên cạnh đó, ngành bất động sản đã qua cơn bĩ cực cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Tính đến hết tháng 6, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao, lên đến 2 chữ số như LPBank, HDBank, ACB… Tuy nhiên, vẫn có một số nhà băng tăng trưởng tín dụng thấp như 4 ngân hàng quốc doanh, thậm chí có đơn vị tăng trưởng tín dụng âm.
Những ngân hàng có tín dụng tăng tốc, thu nhập từ mảng này cũng cải thiện đáng kể. Đồng thời, thu nhập phi tín dụng duy trì ổn định góp phần thúc đẩy lợi nhuận nhà băng tăng cao trong quý II, dù áp lực chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng vẫn đè nặng.
Tính đến hết quý II/2024, tín dụng đã tăng lên khoảng 6% so với cuối năm 2023, đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ là phấn đấu tăng từ 5-6%.
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt mục tiêu nhờ động lực từ việc GDP Việt Nam tăng khá trong quý II/2024 (6,93%), 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chủ yếu nhờ du lịch đã quay trở lại mức trước dịch Covid, sản xuất tăng trưởng mạnh với PMI ở mức 54,7 điểm vào cuối quý II.
Ngoài ra, các động lực tăng trưởng kinh tế được nhận diện từ đầu năm như FDI, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng. Minh chứng là các ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về cho vay FDI có tăng trưởng tín dụng tốt, như Shinhan Bank trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã đạt 13% (năm 2023 đạt tăng trưởng tín dụng gần 20%).
Theo dự báo của VPBankS, năm nay, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14,83% khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm và việc Fed hạ lãi suất từ đó tác động hỗ trợ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Tăng tưởng tín dụng vẫn phụ thuộc vào bất động sản
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng tín dụng 14-15%/năm là thách thức lớn, do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng, làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.
“Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang tiệm cận tới mức của các đất nước phát triển như Úc, Trung Quốc, Thái Lan, và còn đang cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia hay Philippines”, chuyên gia VPBankS phân tích.
Nhận định này là có cơ sở khi tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 tại “đầu tàu” kinh tế TP.HCM sụt giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước. Lũy kế từ tháng 1 đến tháng 7, tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 3,9% trong khi tính đến hết tháng 6 đã đạt mức 4%. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM lý giải tín dụng tháng 7 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm.
Đáng chú ý, không chỉ TP.HCM, tăng trưởng tín dụng tháng 7 thụt lùi cũng là tình trạng chung của cả nước. NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý II/2024 đạt 6%, nhưng đến cuối tháng 7 chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tín dụng tháng 7 tăng chậm lại có yếu tố thời vụ. Trong đó, do yếu tố tâm lý về tháng Ngâu nên người dân thường ít giải ngân. Năm trước, tín dụng tháng 7 cũng đi lùi so với tháng 6. Tuy nhiên, điều này cũng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ông Lực cho rằng tín dụng đang phục hồi trở lại và sẽ tăng dần trong các tháng tới.
Các chuyên gia của VPBankS khẳng định, trên thị trường, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững chính là từ nhu cầu vốn của người dân, trong đó phần lớn tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản (BĐS). Thống kê cho thấy dư nợ cho vay BĐS vào cuối quý II/2024 đạt 3,083 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
“Đây cũng là lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng. BĐS là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay của ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường có thể không bền vững, gây ra rủi ro nếu giá trị tài sản giảm. Ngoài ra, các khoản vay BĐS là dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi các cơ hội sinh lời khác của ngân hàng. Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho vay cho ngành ngân hàng, tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng”, nhóm phân tích lưu ý.
Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn, điển hình từ các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở mới hỗ trợ tăng trưởng tín dụng kỳ vọng vào tăng trưởng an toàn, bền vững hơn khi các điều khoản thay đổi mới chủ yếu có lợi cho người mua nhà
Ngoài ra, với đặc thù của nền kinh tế có độ mở lớn, động lực cho tăng trưởng tín dụng cũng sẽ đến trực tiếp từ FDI và xuất khẩu.
Cùng với đó, những thay đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng mới cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển bền vững hệ thống ngân hàng, nâng cao tính minh bạch, phát triển tín dụng tiêu dùng. Đây cũng sẽ là pháp luật ngân hàng mới và bao phủ nhất được kỳ vọng góp phần đảm bảo hoạt động tài chính của các các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, ổn định.