Tháng 7 tăng trưởng tín dụng âm, giảm còn 5,66%
Hết tháng 7/2024, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023, thấp hơn mức tăng 6% cuối tháng 6.
Tại cuộc họp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số bộ ngành liên quan về chính sách tiền tệ tổ chức ngày 5/8, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trong nửa đầu năm thanh khoản hệ thống dồi dào, còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,66% so với cuối năm ngoái, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6%. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đã tăng thêm 768.000 tỷ đồng nhưng đã giảm khoảng 46.000 tỷ đồng so với cuối tháng 6.
“Các tổ chức tín dụng (TCTD) sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nhận định.
Đại diện NHNN cho biết, trong nửa đầu năm lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Ngoài ra, NHNN đã điều hành hài hòa lãi suất, tỷ giá, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ. Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Theo Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú, NHNN cùng các bộ, ngành địa phương đã triển khai những chương trình tín dụng như: 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Đến cuối tháng 6/2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân doanh số lũy kế khoảng 35.400 tỷ đồng, với gần 9.900 lượt khách hàng vay vốn, hoàn thành tổng doanh số cam kết cho vay của chương trình.
Về điều hành trong nửa đầu năm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã xác định mục tiêu từ năm 2024 là ưu tiên tăng trưởng kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt với chính sách tài khóa mở rộng có trọng điểm.
Thống đốc cũng nhận định trong điều hành chính sách và hoạt động ngân hàng thì vấn đề điều hành đồng bộ, hài hòa lãi suất và tỷ giá là rất khó, bởi hệ thống tỷ giá, tiền tệ thế giới luôn xuất hiện những biến cố khó lường. Tuy nhiên, trong thời gian tới NHNN sẽ quyết tâm điều hành, làm tốt nhiệm vụ được giao.
Trước báo cáo của NHNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn những khó khăn trước mắt và lâu dài khi áp lực lạm phát còn cao, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, nhu cầu vay vốn, ngoại tệ tăng, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới…
Cùng với đó, số tiền trong dân gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng trên 15 triệu tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng đề nghị NHNN chỉ đạo, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay với các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng.
Đồng thời, NHNN cần điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường. Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Thủ tướng giao NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Trong đó, có thể thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) từ TCTD không sử dụng hết và bổ sung cho các TCTD có khả năng tăng trưởng.