Tăng trưởng tín dụng thấp - tốt hay xấu?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng qua mới đạt 4,45%, trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm 2014 từ 12 - 14%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay có đáng lo ngại không?

Tăng trưởng tín dụng thấp - tốt hay xấu?
Tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng qua mới đạt 4,45%. Nguồn: internet

Do mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 8/2014 chỉ đạt 4,45%, nên để đạt mục tiêu đã đề ra trong năm 2014, trong 4 tháng cuối năm, các ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng thêm trên 2%/tháng. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều ngân hàng thương mại mở những chương trình vay vốn giá rẻ, tham gia chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp tại các địa phương... Ví dụ, HDBank dành quỹ 1.000 tỷ hỗ trợ cho bình ổn giá trong Tết Nguyên đán; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã dành 15.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014-2017 hỗ trợ phát triển thủy sản... Hay như, thực hiện mô hình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, TP. Hà Nội đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh đăng ký tham gia với hạn mức cam kết 17.870 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 – 14% trong năm 2014 đang đứng trước nhiều khó khăn. Thực tế, dù lãi suất cho vay hiện đã giảm nhiều so với năm 2012 và 2013, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không vay vốn. Bởi lượng hàng hóa tồn kho cao, chưa có nhiều khả năng sử dụng vốn vay hiệu quả nên doanh nghiệp chủ yếu sản xuất cầm chừng, không có nhu cầu vay thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư. Mặt khác, do trải qua một thời gian dài kinh doanh khó khăn, nên doanh nghiệp cũng khó có thể đáp ứng các yêu cầu về tài sản thế chấp, báo cáo tài chính, phương án kinh doanh... ngân hàng đưa ra khi xem xét cho vay.

Trước những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014, một số ý kiến băn khoăn: tăng trưởng tín dụng thấp có đáng lo và phải nhất thiết hoàn thành mục tiêu này hay không? Có thể thấy, tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tỷ lệ này ảnh hưởng trực tiếp đến các biến số kinh tế vĩ mô, đặc biệt là GDP, lãi suất và lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước thường đưa ra tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến phù hợp với mức kỳ vọng của các chỉ số kinh tế vĩ mô hàng năm.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 5,18%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng, dòng tiền các tổ chức tín dụng đưa ra lưu thông trên thị trường 8 tháng mới chỉ ở mức 4,45% - đây là điểm sáng của nền kinh tế, không phải lo lắng. Bởi các doanh nghiệp đi vào thực lực sản xuất, không dựa vào nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Các giải pháp điều hành thị trường đã giúp doanh nghiệp hiểu ngân hàng là bạn nhưng cũng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhận định, Việt Nam phải giải quyết cả hai vấn đề ngắn hạn và dài hạn là kích cầu và cải cách cơ cấu. Trong ngắn hạn, dù không có nhiều biện pháp chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng tăng trưởng ở khu vực xuất khẩu, khu vực dịch vụ và sản xuất hiện đang khá tốt. Vì vậy, bà Victoria Kwakwa cho rằng, cần loại bỏ những nút thắt và đáp ứng nhu cầu tín dụng trong các ngành này nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Các chuyên gia cũng cho rằng, để tạo sức cầu mạnh đối với tín dụng, cần sự phối hợp của nhiều chính sách khác nhau như tăng giải ngân đầu tư công, hay cắt bớt thủ tục; giảm, giãn thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đầu tư vào kinh doanh, qua đó kích thích nhu cầu về vốn tín dụng.