Tăng trưởng xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
(Tài chính) Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh không có nghĩa doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiết với môi trường. Thực tế, chỉ bằng những hành động đơn giản như cải tiến quy trình sản xuất để giảm tiêu thụ nguyên liệu, điện là đã giúp thực hiện mục tiêu này.
Đặt mục tiêu tăng trưởng xanh có lẽ không phù hợp trong điều kiện doanh nghiệp đang phải lo giải quyết hàng tồn kho, mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay... Nhưng ngay cả trong điều kiện bình thường thì doanh nghiệp cũng đứng trước nhiều khó khăn khi thực hiện điều kiện này, nhất là với đơn vị chỉ có quy mô nhỏ và vừa. Bởi thời hạn vay ngắn, lãi suất cho vay cao, trong khi mô hình sản xuất, kinh doanh xanh khó đem lại lợi nhuận nhanh. Đối với nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) hay nguồn vốn vay kém ưu đãi khác, thì lại có điều kiện vay vốn chặt chẽ, đòi hỏi năng lực lập dự án tốt. Trong khi đó, năng lực lập dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta còn hạn chế, không đồng đều.
Đại diện Ngân hàng Phương Đông cho rằng, việc nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên phát triển xanh sẽ đòi hỏi các ngân hàng thương mại có ý thức cao hơn về việc cấp vốn cho doanh nghiệp. Do đó, cơ quan chức năng cần đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng để xác định tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Khi tiêu chuẩn xác định doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xanh đã rõ, thì các ngân hàng sẽ không phải lo lắng cấp vốn nhầm đối tượng như hiện nay.
Một bất lợi khác giữa doanh nghiệp tăng trưởng xanh với doanh nghiệp khác là yếu tố này chưa được ghi nhận vào báo cáo kinh doanh. Điều này khiến doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên hai sàn chứng khoán không có lợi thế so với doanh nghiệp khác. Song Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần chỉ số môi trường trở thành một phần trong báo cáo đánh giá doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chỉ số môi trường tốt được vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch.
Song có thể thấy, tăng trưởng xanh không hề tốn kém bởi phần lớn hoạt động này đều có thể tự trang trải cho các chi phí của chính nó. Đi theo mô hình này cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát quá trình vận hành sản xuất hiệu quả. Và theo Tổng giám đốc Công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền, để trở thành doanh nghiệp tăng trưởng xanh thì không đòi hỏi phải đi theo những công nghệ tiên tiến với chi phí đầu tư cao. Doanh nghiệp có thể đi theo mô hình này khi rà soát, cải tiến quy trình sản xuất để sử dụng tiết kiệm những nguồn năng lượng không tái tạo được. Đây là những việc làm nằm trong khả năng tài chính, quản trị của doanh nghiệp nên chỉ cần có ý thức sẽ thực hiện dễ dàng.
Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến công nghệ môi trường như xử lý nước thải, lọc khói bụi, tái chế phế liệu... cũng đang có nhu cầu cao trên thị trường thế giới. Lựa chọn đi theo xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều khách hàng, cũng như thị trường xuất khẩu rộng hơn, thậm chí có thể thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Với một mô hình vừa giúp kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, vừa mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh thì rất cần sự chú ý thích đáng của doanh nghiệp trong nước.