Tăng tuổi nghỉ hưu, tính sao cho hợp lý?
Ðề án cải cách Bảo hiểm xã hội được trình Hội nghị Trung ương 7 bàn đến hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng. Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng… Vấn đề này còn tiếp tục được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung bộ Luật Lao động 2012.
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, dân số trong độ tuổi lao động (định nghĩa là 15-64) của Việt Nam bắt đầu giảm sâu từ năm 2030. Vậy nên, có khuyến nghị đưa ra, cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để bảo đảm sự cân đối lực lượng lao động. Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ, việc tăng tuổi hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế-xã hội, nhân khẩu, sức khỏe… chứ không phải tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Thêm nữa, khi nói dân số cao tuổi trong tương lai (thí dụ 20-30 năm tới) thì cần bàn tới những người ở độ tuổi lao động (thí dụ 30-40 tuổi) hiện nay. Việc thay đổi chính sách có khả thi hay không phụ thuộc vào chính lực lượng lao động hiện nay, vì thế chính sách cần phải điều chỉnh theo lộ trình cụ thể được thông tin rõ tới người lao động.
Muốn tránh được việc gây sốc và xáo trộn thị trường lao động, cần phải làm rõ về nguy cơ quỹ hưu sẽ đối mặt với sự mất cân đối khi các chính sách không còn phù hợp. Ðó là chưa kể, duy trì một chính sách không còn phù hợp sẽ gây ra bất bình đẳng giữa lao động thuộc các khu vực kinh tế (chính thức và phi chính thức) và giữa lao động nam và lao động nữ.
PGS, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động và Xã hội cho rằng, nên điều chỉnh ở mức 58 tuổi đối với nữ, và 62 tuổi đối với nam là phù hợp để việc tăng được từ từ, mỗi năm chỉ tăng lên 3-4 tháng vừa bảo đảm phù hợp với xu thế quốc tế cũng như trong nước. Có thực tế, khi đề cập đến tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều người chỉ mới nghĩ đến việc kéo dài thêm thời gian làm việc mà quên đi thực tế, bên cạnh quyền làm việc còn có quyền thu nhập, quyền không bị đói khổ. Khi đi làm tất cả mọi người đều được hưởng 100% lương, thu nhập. Nhưng khi về hưu chỉ hưởng tối đa 75% lương cơ bản. Về cơ bản, người lao động cần ý thức rằng, đi làm là quyền, chứ không phải nghĩa vụ, và họ có thể lựa chọn, đi làm hoặc xin nghỉ hưu như quy định tại Ðiều 187 của Bộ luật Lao động.
Bà Lan Hương cũng đưa ra khuyến nghị, chúng ta cần khảo sát đời sống của những người về hưu. Tất cả các số liệu điều tra cho thấy, đời sống của người về hưu khá khó khăn, quốc tế và trong nước đều như vậy. Chỉ cần mỗi năm làm thêm 3-4 tháng thì đời sống đã được cải thiện.
Thực tế ở nước ta, hơn 85% những người ở tuổi từ 55 trở lên đối với nữ, và 60 trở lên đối với nam vẫn làm việc. Họ không đi làm tại các cơ quan nhà nước nhưng ra ngoài xã hội họ vẫn lao động. Vậy nên, nếu người lao động đủ năng lực, đang có năng suất lao động tại sao phải chuyển đổi nghề nghiệp? Ở đây, theo bà Hương cần phải phân định rõ, làm việc là quyền lao động, có thu nhập, có địa vị xã hội chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tật.
Trước mối lo ngại, nâng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó không xảy ra bởi thị trường lao động có tính phân mảng. Ông Ðỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh đến việc cần thay đổi lại tư duy. Người lao động có thâm niên có thể mang lại việc làm cho người trẻ vì họ sẽ lập ra các doanh nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn. Sắp tới chúng ta già hóa dân số, nếu không tăng cường lực lượng lao động, sử dụng thêm người ở độ tuổi lao động thì sau này chúng ta sẽ thiếu nguồn lực.
Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc vấn đề sức khỏe của người lao động và cần phân loại ngành, nghề và sử dụng tuổi hưu linh hoạt trong một khoảng nào đó, như cách Nhật Bản đang áp dụng. Song song với việc tăng tuổi hưu, cũng cần thực hiện đồng bộ các quy định khác liên quan tới đóng-hưởng, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên thông… Xét đến cùng, điều chỉnh tăng tuổi hưu chỉ là một giải pháp trong tổng thể hệ thống cải cách chính sách BHXH, nên sẽ đòi hỏi sự vận động của cả bộ máy quản lý nhà nước.