Đề xuất cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Tại Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII lần này, bên cạnh việc xem xét một số Đề án và báo cáo quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ cao cấp và cải cách chính sách tiền lương, Hội nghị sẽ cho ý kiến về Đề án cải cách chính sách Bảo hiểm Xã hội (BHXH).
Đề án gồm 8 nội dung:
- Mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Đây là mục tiêu từng được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh - tế xã hội giai đoạn 2001 - 2010.
Với bối cảnh phát triển hiện nay, việc tiếp tục theo đuổi mục tiêu này là rất cần thiết để thực hiện định hướng XHCN trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lao động khu vực phi chính thức, những đối tượng dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau. Có thể hiểu đây là sự phát triển BHXH về chiều rộng.
- Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhằm ứng phó với quá trình già hóa dân số, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và xuất hiện các hình thức quan hệ lao động mới.
Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp với các yếu tố tăng trưởng kinh tế; không tạo sốc cho thị trường lao động. Trong bối cảnh già hóa dân số, để bù đắp sự thiếu hụt của thị trường lao động, cũng như góp phần thực hiện cân đối quỹ BHXH, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu.
- Tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thất nghiệp, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động và doanh nghiệp Việt Nam.
- Kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.
- Kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các nhóm đối tượng thông qua không điều chỉnh theo một tỷ lệ đồng đều.
- Rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc và ngân sách nhà nước.
- Điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần nhằm duy trì và mở rộng diện bao phủ, khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh như chủ trương nhất quán trong các Văn kiện và Nghị quyết của Đảng
- Thiết kế lại các tham số BHXH để bảo đảm đạt mục tiêu bền vững tài chính của các Quỹ BHXH thành phần nhằm bảo đảm khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thực tế và quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.